Năm 2002, Nhật Bản bắt đầu đẩy mạnh chương trình cải cách giáo dục theo triết lý "giáo dục hạnh phúc" nhằm ươm mầm tài năng sáng tạo, nhưng kết cục lại rất bi đát.
Chương trình cải cách này thể hiện rõ nhất ở các thay đổi như giảm 30% nội dung chương trình học, không xếp loại học lực, không công bố kết quả học tập... Nói một cách dễ hiểu là tạo điều kiện cho trẻ "chơi nhiều hơn học".
Trước đây khi chưa áp dụng phương pháp giáo dục này, Nhật Bản luôn đứng đầu về Toán trong Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA). Nhưng khi triển khai "giáo dục hạnh phúc", nước này nhanh chóng tụt xuống vị trí thứ 6.
Hơn nữa, những đứa trẻ được hưởng nền giáo dục này khi lớn lên sẽ chỉ biết hưởng thụ, hoàn toàn không quan tâm tới tương lai. "Chúng chỉ quan tâm đến những thứ trong bán kính 3 m tính từ tâm vòng tròn, nghiện Internet và game. Không những không muốn làm việc mà còn lười nói đến chuyện yêu đương khi trưởng thành", một nhà giáo dục của Nhật khi đó đã nhận xét.
Cuối cùng chính phủ Nhật Bản đã phải nói lời chia tay với phương pháp giáo dục này sau khi trải qua bài học cay đắng.
Vậy tại sao gọi "giáo dục hạnh phúc" là bất hạnh?
1. Trẻ dễ hình thành thói lười biếng
Khả năng tự chủ của trẻ còn yếu, việc học vốn đã là một điều nhàm chán. Thói quen chỉ được trau dồi thông qua sự giáo dục và đốc thúc liên tục. Nếu thực hành kiểu "giáo dục hạnh phúc" khi còn nhỏ, nhiều đứa trẻ sẽ nuông chiều bản thân, lâu dần trở nên lười biếng và phóng túng. Như vậy trẻ không thể tĩnh tâm trải nghiệm việc học tập cũng như trau dồi kiến thức từ sách vở của mình.
2. Thiếu đam mê làm việc chăm chỉ
Áp lực thích hợp sẽ luôn là động lực, khiến mọi người phát triển tốt và nhanh hơn. Môi trường học tập không căng thẳng quả thực rất thư giãn, nhưng một khi sự dễ dãi trở thành thói quen, ý thức cạnh tranh và khả năng chống lại căng thẳng của trẻ chắc chắn sẽ giảm sút.
Có lẽ ở trường học, trẻ em không phải lo lắng về thứ hạng nhưng các công ty sẽ không nhận nhân viên yếu kém. Cái gọi là "giáo dục hạnh phúc" chỉ có thể khiến trẻ vui trong khuôn viên trường nhưng trong phần đời còn lại, ai có thể gánh vác trách nhiệm này cho chúng?
Vì thiếu kiến thức, trẻ sau này có thể làm những công việc tay chân hoặc kỹ thuật thấp, lương thậm chí không đủ nuôi sống gia đình, liệu lúc đó chúng có cảm thấy hạnh phúc?
3. Không tạo được chỗ đứng trong xã hội
"Giáo dục hạnh phúc" có vẻ như để giảm bớt gánh nặng cho trẻ, nhưng lại không tính đến việc làm thế nào để trẻ có chỗ đứng trong xã hội.
Xã hội hiện đại là xã hội của thông tin. "Cuộc sống không dễ dàng, phải đa tài và đa năng" không chỉ là khẩu hiệu của những người nổi tiếng trên mạng mà còn mô tả thực tế. Thế hệ trẻ sau này phải học hỏi nhiều hơn, phải liên tục đổi mới, sáng tạo nếu không sẽ sớm bị thay thế bởi robot. Bởi vậy cho dù là một thiên tài, nếu không làm việc học tập chăm chỉ, cuối cùng cũng chỉ là một kẻ thất bại.
Điều cha mẹ có thể làm nhất định không phải là cho con tuổi thơ "vô lo vô nghĩ". Không cần phải làm quá nhiều bài tập về nhà, mà là để trẻ tự tìm ra giá trị và thành quả của mình, từ đó hướng đến hạnh phúc thực sự thuộc về trẻ.
Giáo dục hạnh phúc thực sự là gì?
Trên thực tế, "giáo dục hạnh phúc" đã bị nhiều người hiểu sai.
Khái niệm này lần đầu tiên được đưa ra bởi nhà giáo dục người Anh Herbert Spencer, ông nói: "Mục đích của giáo dục không phải đáp ứng những yêu cầu cứng nhắc nhất định, mà là làm cho trẻ em trở thành một con người hạnh phúc, và quá trình học tập trẻ cũng nên được hạnh phúc".
Sau khi hiểu định nghĩa ban đầu, không khó để thấy rằng "giáo dục hạnh phúc" không cho phép trẻ em ngừng học tập. Kết quả của việc từ bỏ giáo dục nhất định là một bi kịch.
Giáo dục hạnh phúc đúng đắn là để trẻ em cảm nhận được niềm vui học tập, kích thích sự tò mò bên trong và khiến trẻ học với một niềm say mê. Điều này đòi hỏi cha mẹ phải sử dụng các kỹ năng để nắm bắt, không áp dụng cách giáo dục dàn trải cho trẻ, chỉ học tập để đạt điểm cao mà phải tạo cho con cái được học tập thực sự. Quan trọng nhất là quá trình này phải tràn đầy niềm vui.
Vy Trang (Theo sohu)