"Giảm tiền phạt nếu người lái xe có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở, theo tôi là một điều chỉnh hợp lý. Làm vậy để những người không may còn dư lượng cồn trong người khi uống bia, rượu từ hôm trước hoặc những người phải uống xã giao một ly rượu hoặc một lon bia khi đi tiệc không bị đánh đồng với những người say xỉn. Còn các mức vi phạm nồng độ cồn cao hơn thì không cần đổi để đảm bảo độ nghiêm minh của pháp luật".
Đó là quan điểm của độc giả Manhdunghn xung quanh đề xuất giảm tiền phạt với vi phạm nồng độ cồn mức thấp nhất của Bộ Công an. Với ôtô, Bộ đề xuất phạt tiền từ 800.000 đến một triệu đồng đối với người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự ôtô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở (mức phạt hiện hành là 6-8 triệu đồng). Với môtô, xe gắn máy, dự thảo nghị định quy định mức phạt tiền tương đương là 400.000-600.000 đồng (mức phạt hiện hành là 2-3 triệu đồng).
Đồng tình với đề xuất của Bộ Công an, bạn đọc Angoc nhận định: "Giảm tiền phạt là đúng, vừa hợp lý, vừa tránh phải giam giữ xe khi người vi phạm không có tiền nộp phạt. Thực tế, có khi cả chiếc xe chỉ có giá trị 2 triệu đồng mà mức phạt hiện hành lên tới 3 triệu đồng nên họ bỏ xe luôn. Theo tôi, nên phạt nặng những trường hợp cố tình vi phạm nồng độ cồn mức cao hay gây ra tai nạn giao thông sau khi uống rượu, bia. Còn những người uống ít, nồng độ cồn ở mức thấp vẫn có thể phạt nhẹ rồi cho họ chạy xe bình thường".
Cũng ủng hộ giảm tiền phạt với vi phạm nồng độ cồn mức thấp, độc giả Letuhoaivy bình luận: "Hàng ngày tai nạn giao thông vẫn xảy ra nhưng đâu phải 100% do uống rượu bia. Khi nồng độ cồn trong máu và khí thở quá thấp thì tinh thần người lái xe vẫn minh mẫn và đảm bảo an toàn. Đó là trường hợp người uống được rượu bia như tôi thì một ly cũng vẫn tỉnh táo bình thường. Do vậy, tôi ủng hộ dự thảo luật mới để những người có nồng độ cồn mức thấp không cảm thấy bị phạt oan".
>> Nhóm bạn nhậu chia tiền phạt nồng độ cồn 7 triệu đồng
Trong khi đó, phản biện lại quan điểm trên, bạn đọc Dinhtrieuminh cho rằng: "Cấm là cấm. Đã điều khiển phương tiện là tuyệt đối không uống rượu, bia, kể cả uống hôm trước cũng không được. Tác hại do rượu, bia gây ra là quá lớn. Bao nhiêu vụ tai nạn thương tâm, bao nhiêu người phải điều trị bệnh tật vì bia rượu gây ra. Còn ai muốn uống thì phải có kế hoạch, không điều khiển phương tiện giao thông. Đừng lấy lý do để biện minh cho hành động sai trái, không hợp lý".
Nhấn mạnh tài xế khi tham gia giao thông phải duy trì sự tỉnh táo và phản xạ nhanh để xử lý tình huống bất ngờ xảy ra, độc giả Caocaostorevn không đồng tình với đề xuất giảm tiền phạt: "Sao chúng ta không giữ luật như hiện nay để mọi người quen dần với việc không uống rượu, bia khi lái xe. Ai cũng có lý do riêng của mình mà không nghĩ tới cái chung.
Nếu vì giảm lượng tiêu thụ rượu, bia mà làm ảnh hưởng nền kinh tế (không vì lý do khác) thì tôi đề xuất giảm tiền phạt người vi phạm nồng độ cồn mức thấp nhưng phải tăng trách nhiệm hình sự nếu người đã có cồn gây ra tai nạn giao thông cho người khác hoặc gây mất trật tự xã hội như bạo lực, đánh nhau... Phải để mọi người tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình".
"Theo tôi, giải pháp giảm tiền phạt không phải là hướng xử lý tốt nhất. Thay vào đó, phải có những mức phạt riêng, áp dụng tùy theo tình trạng của người đã uống rượu, bia. Thế nên, cần ứng dụng những hình thức đánh giá độ tỉnh táo của tài xế và xử phạt như những nước xung quanh ta đang làm", bạn đọc Aspirationmore kết lại.
- 'Nồng độ cồn bằng 0' khiến nhiều người chưa tâm phục
- Nhiều quán nhậu vẫn đắt khách dù siết nồng độ cồn bằng '0'
- Kinh doanh quán ăn như tôi kiệt quệ sau nồng độ cồn bằng '0'
- Kích cầu quán ăn sau nồng độ cồn bằng '0'
- Bảo hiểm từ chối bồi thường vì nồng độ cồn lớn hơn 0
- 'Bị phạt 7 triệu đồng vì chén rượu uống từ hôm trước'