"7 triệu đồng, giam bằng 11 tháng là án phạt tôi vừa phải nhận vì lý do uống rượu từ hôm trước. Kết quả thổi nồng độ cồn của tôi ở ngưỡng 0.055 mg/l khí thở. Chuyện là do tính chất công việc nên hôm qua tôi phải uống sáu chén rượu (dung tích 30 ml một chén đầy, nhưng tôi uống chỉ chén vơi). Vậy mà hôm sau lái xe đi làm, tôi vẫn bị xử phạt dù bản thân rất tỉnh táo, không hề có cảm giác gì là còn cồn trong cơ thể.
Tất nhiên, theo đúng quy định, tôi vẫn phải thừa nhận mình đã sai và chấp nhận án phạt. Nhưng có lẽ mức độ cồn bằng 0 ở đây là quá tuyệt đối và kéo theo nhiều bất cập. Bản thân tôi chuyên cung cấp hàng cho bên cơ khí - một ngành nghề có yêu cầu độ chính xác rất cao. Nhưng tôi cũng không thấy các đối tác của mình áp dụng tuyệt đối tới từng mm, mà luôn có sự chênh lệch trong phạm vi cho phép (+- 0.05 mm hoặc 0.1 mm, tùy từng đơn vị).
Phải chăng quy định nồng độ cồn bằng 0 đang gây nhiều khó khăn cho người dân? Phải chẳng cơ quan chức năng nên xem xét lại quy định độ cồn một cách khách quan, đa chiều trước khi quyết định có hay không 'vùng xanh' trong xử phạt độ cồn để người dân đồng lòng ủng hộ?".
Đó là chia sẻ của độc giả Huyhoang về trường hợp của bản thân khi bị xử phạt nồng độ cồn. Đây cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi thời gian qua trên bàn nghị sự. Đến nay, các đại biểu Quốc hội vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về nội dung "nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe". Nhiều đại biểu ủng hộ cấm tuyệt đối nồng độ cồn, trong khi số khác lại đề nghị luật nên quy định chi tiết ngưỡng nồng độ cồn tối thiểu.
>> Hết lo mang tiếng 'không nể mặt' từ lúc có quy định độ cồn bằng 0
Bảy tỏ quan điểm cho rằng cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở là "quá nghiêm khắc và chưa phù hợp", độc giả Mr.Trí bình luận: "Mặc dù rất ủng hộ xử phạt nặng người vi phạm nồng độ cồn để lập lại trật tự an toàn giao thông, tuy nhiên tôi không cho rằng nên cấm tuyệt đối như vậy. Quy định đó mang tính phủ định, rập khuôn, thiếu khoa học... Trong khi điều chúng ta cần là làm sao bắt được hết những người vi phạm (thực sự uống rượu bia mà vẫn lái xe) chứ không phải làm mất thời gian để xử lý những trường hợp có nồng độ cồn khác 0 do nhiều nguyên nhân khác.
Không nói vấn đề xử phạt người lái xe sau khi uống bia rượu, vì đây là chuyện quá rõ ràng rồi. Còn quy định nồng độ cồn tuyệt đối bằng 0 thì cần phải đưa ra luật rõ ràng, tránh gây tranh cãi sau này, người bị phạt oan, người không chấp hành phạt... rồi tranh luận với nhau gây mất thời gian.
Ví dụ, tôi uống một ly bia từ hôm trước, nhưng ngày mai vẫn bị phạt vì nồng độ cồn trong máu khác 0. Giờ tôi dựa theo quy định là ăn trái cây, uống nước có men... để cãi lại, không đồng tình bị phạt, đơn giản vì nó chỉ cao hơn mức 0 một chút (không gây ảnh hưởng) thì sao? Hoặc người khác cũng bị phạt như tôi nhưng thực tế do họ ăn uống nước có men thật. Vậy trong trường hợp này ai chịu phạt?
Vậy nên, chúng ta phải làm sao có thể bỏ qua hoặc đưa mức chuẩn an toàn (ngưỡng) khác 0. Nếu ai cao hơn mức này, dù bất cứ lý do gì, cũng sẽ đều bị phạt. Còn ai thấp hơn sẽ được nhắc nhở và bỏ qua. Trong đo kiểm máy móc còn có cả sai số nữa, nên không thể tuyệt đối mọi thứ. Mức chuẩn an toàn (ngưỡng) này phải được nghiên cứu, khẳng định không gây ảnh hưởng đến thần kinh con người khi lái xe.
Nhiều bạn nói muốn không bị phạt thì đừng ăn uống đồ có cồn nữa. Nhưng như vậy thì càng sai nữa. Các chất lên men vẫn được nhiều người sử dụng hằng ngày vì về mặt y học, nó vẫn tốt cho sức khỏe con người. Không lẽ chúng ta cũng cấm luôn toàn bộ thức ăn có men hay sao?".
Trong khi đó, với quan điểm trái chiều, độc giả Tuanle phản biện: "Tôi không hiểu vì sao chúng ta cứ tranh cãi mãi vấn đề này? Phản ứng của cơ thể mỗi người đối với cồn là khác nhau. Hay nói theo cách dân gian là 'tửu lượng' mỗi người mỗi khác. Có người chỉ uống một lon bia đã say, không kiểm soát được hành vi. Nhưng có người uống tới năm lon vẫn tỉnh táo như không.
Vậy nếu quy định mức nồng độ cồn tối thiểu nào đó, ví dụ tương đương mức hai lon bia, thì người có tửu lượng thấp, uống một lon đã say, nhưng điều khiển xe vẫn không bị vi phạm sao? Khi đó, chúng ta sẽ lại tranh cãi ai tửu lượng thấp, ai tửu lượng cao ư? Tính mạng con người là trên hết, hãy nhìn thực trạng tai nạn giao thông tại Việt Nam và hậu quả của nó để lại để có những biện pháp hợp lý.
Ủng hộ quy định độ cồn bằng 0 khi lái xe, bạn đọc Trungacs phân tích: "Người ta phạt người có nồng độ cồn trong hơi thở chứ đâu chỉ phạt người uống rượu bia khi lái xe. Vì nồng độ cồn ảnh hưởng đến thần kinh chứ không phải chỉ rượu bia mới ảnh hưởng. Các nước phát triển có ngưỡng nồng độ cồn tối thiểu cũng làm các nghiên cứu khoa học. Kết quả chỉ ra rằng dù nồng độ cồn dưới mức tối thiểu cũng vẫn xảy ra nhiều tai nạn giao thông và vẫn có người bị ảnh hưởng thần kinh chứ không phải an toàn tuyệt đối.
Việt Nam quy định độ cồn bằng 0 là đang làm theo cách thận trọng nhất mà thôi. Còn việc những người lý luận uống rượu buổi tối hôm trước nhưng sáng hôm sau vẫn còn độ cồn và bị phạt oan thì chẳng khác nào nói 'tôi uống 1-2 chén rượu vẫn tỉnh táo' và đòi lái xe ra đường. Còn nước ngoài người ta có mức tối thiểu vì họ có giao thông tốt, chế tài xử phạt nghiêm, cơ sở hạ tầng cũng tốt. Chúng ta lấy cái gì ra để được bằng họ mà đòi cũng phải quy định nồng độ cồn tối thiểu như thế?".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.