"Quy định nồng độ cồn bằng '0' chỉ ảnh hưởng tới những người không chịu thay đổi thói quen xấu mà thôi. Những thói quen này hoàn toàn có thể thay đổi được, chứ chẳng cần giải quyết vấn đề bằng cách thô sơ, cần phải thay đổi thành giải pháp công nghệ gì cao siêu.
Đúng là ngành F&B bị ảnh hưởng sau quy định nồng độ cồn, nhưng đó là vì những người làm trong ngành này chưa chịu thay đổi thói quen để thích ứng với hoàn cảnh mới. Nếu tất cả người dân chấp hành tốt quy định này thì sẽ hình thành thói quen nhậu xong không lái xe mà thuê xe hoặc thuê tài xế. Hoặc nếu ai dự định nhậu thì phải chấp nhận không lái xe ra đường bằng xe cá nhân trong vòng 24h.
Khi đã hình thành thói quen này thì dù F&B thua thiệt nhưng nền kinh tế sẽ lại được bù đắp bởi các ngành khác như: giao hàng, dịch vụ đưa đón... Tóm lại, cả 'cái bánh' chỉ có vậy, có người được miếng to thì sẽ có người được miếng nhỏ và ngược lại. Không phải tôi không thông cảm với những người kinh doanh nhà hàng, quán nhậu, chỉ là tôi thấy cái lợi cho số đông nhiều hơn cái lợi cho cá nhân nên vẫn đáng để làm".
Đó là quan điểm của độc giả Vannamhai sau nhiều ý kiến nói về những ảnh hưởng của quy định nồng độ đồ bằng "0" lên những người kinh doanh dịch vụ ăn uống thời gian qua như: "Kinh doanh quán ăn như tôi kiệt quệ sau nồng độ cồn bằng '0'", "bà bán xôi ế ẩm sau nồng độ cồn bằng '0'"...
Đồng tình với quan điểm này, bạn đọc HungManh phân tích: "Đúng là cấm nồng độ cồn khi lái xe chắc chắn có ảnh hưởng tới mảng ăn uống, dịch vụ. Tổng đóng góp GDP của mảng này ở nước ta khoảng 11 tỷ USD nhưng cũng là vùng trũng của thất thu thuế. Mặc dù GDP khiêm tốn vậy nhưng lượng lao động phục vụ ngành này cỡ 10 triệu người. Nghe thì có vẻ tạo nhiều công ăn việc làm, nhưng nếu nhìn sâu vào ngành này, chúng ta sẽ thấy tiềm ẩn một vấn đề đáng lo ngại: lao động chủ yếu là người trẻ, 15-25 tuổi - đây lại là lứa tuổi vàng để học nghề.
Khi mà chúng ta không thể tìm đủ 200.000 công nhân trẻ kỹ thuật cao để phục vụ việc chuyển dịch sản xuất của một hãng nào đó, thì hàng triệu bạn trẻ ở độ tuổi học nghề lại đang đi bưng bê, phục vụ ở các quán nhậu. Rồi có khi chính các bạn cũng nhậu sau giờ làm. Tôi nghĩ rằng, danh hiệu 'tiêu thụ rượu bia nhiều thứ hai châu Á' của chúng ta đáng buồn hơn là đáng vui. Và đó là lý do khiến người Việt cần thay đổi mạnh mẽ và toàn diện".
>> 'Bị phạt 7 triệu đồng vì chén rượu uống từ hôm trước'
Bày tỏ sự lạc quan vào sự thay đổi của nền kinh tế để thích ứng và phát triển sau quy định nồng độ cồn bằng 0, độc giả Tuấn Mạnh bình luận: "Sản xuất kinh doanh hay buôn bán mặt hàng gì cũng đều phải theo nhu cầu thị trường trong từng thời điểm. Do đó, một số ngành nghề dần thu hẹp hoặc bị đào thải do không còn phù hợp nhu cầu số đông, cũng là chuyện bình thường. Thị trường luôn dịch chuyển và tự cân bằng, ngành nghề này biến mất thì sẽ xuất hiện ngành nghề khác thay thế.
Cho nên, tôi cho rằng, quy định nồng độ cồn bằng 0 cũng giống như chuyện chiếc mũ bảo hiểm thời gian trước. Từ ngày có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm với người điều khiển xe máy tham gia giao thông, lượng người đội nón vải, nón thời trang ra đường đã giảm đáng kể. Tất nhiên, những nhà sản xuất và cửa hàng bán mũ dạng này sẽ bị thất thu, dần thu hẹp hoặc phải chuyển sang nghề khác. Tuy nhiên, ở hướng ngược lại, ngành nghề sản xuất và kinh doanh, buôn bán mũ bảo hiểm lại có dịp để phát triển mạnh mẽ".
Cũng ủng hộ quy định cấm lái xe khi có nồng độ cồn, bạn đọc Kien Nguyen Ngoc kết lại: "Mọi mô hình kinh doanh sẽ buộc phải thay đổi để thích nghi với thời đại. Quy định hiện nay đâu có cấm uống bia, rượu hay hạn chế kinh doanh mặt hàng này, người ta chỉ cấm lái xe sau khi uống bia, rượu mà thôi.
Tôi quan sát thấy mấy nhà hàng, quán nhậu chỗ tôi vẫn chạy hết công suất mỗi ngày. Chỉ có chỗ để xe của họ là vắng hơn ngày xưa chứ lượng khách vẫn thế, thậm chí còn đông hơn. Quán ngon, phục vụ tốt, khách ăn xong được cung cấp dịch vụ đưa đón về tận nhà thì tôi tin người ta vẫn đến ủng hộ. Giới trẻ bây giờ cũng nhìn bia, rượu với ánh mắt dè chừng hơn nhiều nên nếu người kinh doanh biết năm bắt tâm lý khách hàng và tìm giải pháp phục vụ thì quy định nồng độ cồn cũng chẳng có gì đáng lo".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Hết lo mang tiếng 'không nể mặt' từ lúc có quy định độ cồn bằng 0
- Nồng độ cồn bằng 0 - 'bất tiện cũng phải chấp nhận'
- 'Độ cồn bằng 0 sẽ hạn chế xe cá nhân'
- Ngụy biện 'ăn tôm hấp bia bị phạt nồng độ cồn'
- Nhà tôi không sợ thổi nồng độ cồn
- Siết độ cồn bằng 0 vì 'cứ thấy quán nhậu là tấp vô'