Đọc bài viết 'Bị tước giấy phép lái xe 10 tháng vì ly rượu uống từ 15 tiếng trước', tôi thấy rất đồng cảm với tác giả vì bản thân cũng rơi vào trường hợp tương tự. Cách đây ít lâu, tôi có cùng đoàn anh chị em đi du lịch bằng ôtô gia đình. Tuy nhiên, trong hành trình trở về, xảy ra sự cố đáng tiếc trên cao tốc.
Chuyện là một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra khiến xe chạy phía trước chúng tôi dừng đột ngột. Theo quán tính, không kịp phanh gấp, xe chúng tôi đâm phải họ. Rất may không có thiệt hại gì về người, còn xe của tôi và xe phía trước bị hỏng hóc, phải sửa chữa. Tuy không nặng nề nhưng tôi nghĩ cũng là một số tiền không nhỏ.
Điều đáng nói là trong suốt quá trình lái xe, tôi không hề sử dụng rượu, bia, hay bất cứ thức uống có nồng độ cồn nào tương tự. Cả hai xe va chạm với nhau đều có hợp đồng bảo hiểm toàn phần, nên chúng tôi vui vẻ bắt tay nhau. Sau khi tới ghi nhận hiện trường, CSGT ra hiệu lệnh dời xe của tôi vào sát lề để các phương tiện khác được lưu thông an toàn. Tôi có quay video và camera hành trình cũng ghi lại toàn bộ sự việc. Cuối cùng, tôi được xét nghiệm nồng độ cồn trong máu và ra về.
>> 'Nồng độ cồn bằng 0' khiến nhiều người chưa tâm phục
Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận sự việc của tôi hãng bảo hiểm từ chối bồi thường chi phí sửa chữa cho tôi với lý do "xe đã rời khỏi hiện trường, làm mất hiện trường". Tôi có phản hồi với bên hãng bảo hiểm rằng mình có hình ảnh, video ghi lại toàn bộ sự việc. Tại hiện trường, tôi di chuyển xe theo sự điều khiển của CSGT. Vậy, lý do không chi trả chi phí sửa chữa xe do tôi làm mất hiện trường là không phù hợp.
Trả lời tôi lần thứ hai, công ty bảo hiểm tiếp tục lấy lý do không chi trả chi phí sửa chữa vì "trong xét nghiệm máu có nồng độ cồn". Tuy nhiên, trong giấy xét nghiệm máu, nồng độ cồn của tôi chỉ 0,2 mmol/l , thấp hơn nhiều lần trị số bình thường mà Bộ Y tế quy định (1.76mmol/l). Nồng độ cồn nội sinh luôn luôn có trong máu, kể cả khi không sử dụng rượu, bia, thức uống có cồn... Nhưng giờ đây, công ty bảo hiểm lại lấy quy định "nồng độ cồn bằng 0" làm lý do để từ chối thanh toán bảo hiểm cho khách hàng.
Từ trường hợp của mình, tôi cho rằng quy định hiện hành cần được nghiên cứu, điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, đặc biệt là những người tham gia bảo hiểm. Duy trì "nồng độ cồn bằng 0" như hiện tại sẽ kéo theo rất nhiều bất cập và người chịu thiệt cuối cùng lại chính là người dân bình thường như chúng tôi.
- Kích cầu quán ăn sau nồng độ cồn bằng '0'
- 5 lý do tiếp tục cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe
- Bốn năm tranh cãi luật độ cồn bằng 0
- 'Bị phạt 7 triệu đồng vì chén rượu uống từ hôm trước'
- Hết lo mang tiếng 'không nể mặt' từ lúc có quy định độ cồn bằng 0
- Nồng độ cồn bằng 0 - 'bất tiện cũng phải chấp nhận'