Là chủ một nhà hàng, đi lên từ một quán ăn nhỏ, tôi rất đồng cảm với những trăn trở mà tác giả Phan Tan đặt ra trong câu chuyện về bà bán xôi ế ẩm sau quy định nồng độ cồn bằng "0".
Bản chất của nền kinh tế phát triển là phải kích thích tiêu dùng, giúp tạo ra nhiều việc làm. Dân giàu nước mạnh không thể chỉ trông chờ vào sự tiết kiệm, vì nó là nguyên nhân kiềm hãm nền kinh tế. Chính ngành dịch vụ ăn uống đã giải quyết được rất nhiều vấn đề cho bài toán kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp.
Thế nhưng nay bản thân nó lại bị kìm hãm, thì các ngành phụ trợ, liên quan chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền. Đó là những ngành nghề như: in ấn, nước đá, nông - lâm - thuỷ - hải sản, vận chuyển, công nghệ thông tin, bất động sản, sửa chữa bảo trì điện - nước, dịch vụ bảo vệ, trang trí nội ngoại thất, đồ gia dụng... và rất nhiều ngành nghề liên quan khác nữa.
Có người nói "từ từ rồi cũng quen với quy định nghiêm ngặt" nhưng chẳng lẽ chúng ta phải quen với việc thất nghiệp tăng, chi tiêu giảm, lương thấp...? Tôi tin chẳng ai muốn "quen" với điều đó cả. Cũng đừng so sánh quy định nồng độ cồn bằng "0" khi lái xe với chuyện đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy vì nó rất khập khiễng, mức độ ảnh hưởng, tác động đến mọi mặt kinh tế, đời sống, xã hội rất khác nhau.
>> 'Bị phạt 7 triệu đồng vì chén rượu uống từ hôm trước'
Xin nhấn mạnh, tôi chưa bao giờ nghĩ "chỉ có rượu, bia mới cần thiết cho mọi ngành nghề trong xã hội". Tôi chỉ nói khi ngành dịch vụ ăn uống kiệt quệ do quy định nồng độ cồn thì doanh thu của nhiều ngành nghề khác cũng giảm, dẫn tới giảm lao động và lại ảnh hưởng đến những ngành nghề khác liên quan. Đây là những mối liên kết giữa các ngành nghề trong nền kinh tế, chỉ cần một mắt xích bị thiệt hại thì sẽ kéo theo rất nhiều ảnh hưởng dây chuyền. Ngành nghề có thị trường càng lớn thì mức ảnh hưởng càng sâu rộng. Đó là cách vận động của một nền kinh tế.
Có bạn nói "không làm nghề này thì chuyển sang nghề khác", nhưng nghề nào mới là quan trọng? Chuyển nghề không phải là chuyện đơn giản. Tôi ví dụ bạn làm bác sĩ từ khi ra trường, bây giờ kêu chuyển nghề khác thì bạn sẽ chọn làm gì? Chạy xe ôm ư? Các chủ nhà hàng, quán ăn, các đầu bếp, tạp vụ, nhân viên phục vụ, bảo vệ... cũng tương tự, chẳng lẽ họ nên chuyển sang chạy xe ôm hết vì ế ẩm sao?
Bất kể quy định gì cũng có hai mặt tốt và xấu, quan trọng là chúng ta cần gì và cân bằng nó theo hướng mà chúng ta muốn mà thôi. Với chính sách nồng độ cồn bằng "0" như hiện nay, mặt tích cực là nó giúp giảm số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia, nhưng mặt khác nó cũng khiến cho nền kinh tế suy giảm. Khi đó, người chịu tác động lớn nhất chính là những người lao động nghèo.
Đây sẽ là bài toán mà những nhà quản lý cần tìm ra câu trả lời thật thấu đáo. Có vậy quy định mới có thể đi sâu vào đời sống xã hội và được người dân đồng lòng thực hiện.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Hết lo mang tiếng 'không nể mặt' từ lúc có quy định độ cồn bằng 0
- Nồng độ cồn bằng 0 - 'bất tiện cũng phải chấp nhận'
- 'Độ cồn bằng 0 sẽ hạn chế xe cá nhân'
- Ngụy biện 'ăn tôm hấp bia bị phạt nồng độ cồn'
- Nhà tôi không sợ thổi nồng độ cồn
- 'Phạt tù người vi phạm nồng độ cồn sẽ thiếu tính giáo dục'