Chị Lương Thị Loan Thanh sinh con đầu lòng 12 năm trước, cân nặng từ 45 kg lên 86 kg, vòng bụng hơn 124 cm khiến chị tự ti, bị trầm cảm sau sinh. Chị đến Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám sau nhiều năm tự giảm cân không thành công.
Ngày 30/9, TS.BS Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, cho biết chị Thanh có những biến chứng của béo phì như rối loạn đường huyết, gan nhiễm mỡ độ hai, rối loạn mỡ máu, đau khớp gối, trào ngược dạ dày. "Giảm cân là phương pháp cốt lõi để điều trị béo phì, đẩy lùi biến chứng và cải thiện vóc dáng cho người bệnh", bác sĩ Hoàng nói.
Người bệnh được bác sĩ điều trị toàn diện, đa mô thức để giảm cân hiệu quả, gồm thuốc, dinh dưỡng, luyện tập, công nghệ cao, tâm lý.
Tuần đầu điều trị, chị Thanh chỉ ăn 1/3 suất cơm đã thấy no, hết cảm giác thèm ăn vặt, ngủ sâu giấc hơn, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Chị kết hợp tập thể dục tại nhà theo 5 bài tập do chuyên viên thể chất hướng dẫn, mỗi ngày 15-30 phút. "Tôi không mệt khi giảm cân, ngược lại thấy cơ thể nhiều năng lượng", chị nói.
Tuần đầu tiên, chị Thanh giảm 1 kg. Tuần thứ hai và thứ ba, chị giảm thêm 3 kg. Kiên trì điều trị trong 10 tuần, chị giảm 9,9 kg, vòng bụng giảm 28 cm.
Các chỉ số sức khỏe thay đổi tích cực hơn như gan nhiễm mỡ giảm xuống còn độ một, hết rối loạn đường huyết, đi lại nhẹ nhàng và đỡ đau khớp gối, ngủ ngon hơn. Chị cần tiếp tục duy trì các bài tập đơn giản như đi bộ, hay tập thể dục nhịp điệu tại nhà để tăng thêm sức cơ.
Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe như tăng huyết áp, gan nhiễm mỡ, bệnh tim mạch, tiểu đường type 2... Điều trị giảm cân cần được thực hiện khoa học, dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ giàu kinh nghiệm, phối hợp nhiều chuyên khoa, để đạt hiệu quả tối ưu, theo bác sĩ Hoàng.
Đinh Tiên
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |