Do tính chất công việc nên tôi thường xuyên phải di chuyển giữa các tỉnh. Việc sử dụng xe khách làm phương tiện đi lại với tôi diễn ra khá thường xuyên. Nhưng mỗi lần vào bến xe, tôi luôn mang một cảm giác rất bất an. Khi vừa bước vào bến là có hàng loạt người nhao đến chèo kéo hỏi han: "Em đi về Ninh Bình à?", "đi Tuyên Quang không em?"...
Rồi khi xe vừa vào đến bến, lại có một đoàn người nhào chạy theo xe. Cửa xe còn chưa mở, bên ngoài người ta đã chỉ trỏ, giành giật: "Anh áo xanh của tao", "em áo vàng của tao", "bà đội mũ của tao"... Những sự lộn xộn như vậy, chắc hẳn ai đã đi xe khách ở bến đều đã nhiều lần bắt gặp.
Nhưng sự lộn xộn không chỉ ở đó mà nó còn kéo dài cho đến hết hành trình chuyến xe. Khi vào bến, tôi hỏi phụ xe: "Khi nào xuất bến thế anh?". Phụ xe đáp: "8h nhé, lên xe luôn đi". Nhưng thực tế, phải đến 8h20' xe mới thoát khỏi cửa bến với tốc độ rất chậm. Có lẽ nếu có cuộc thi lái xe chậm thì chắc mấy bác tài xe khách này hẳn phải đoạt giải cao. Sau khoảng 30 phút "bò" trên quãng đường khoảng 300 m, tôi lại nhìn thấy phía bên kia đường là bến xe mà xe vừa đi ra, hóa ra nãy giờ xe chạy lòng vòng trước cửa bến để cố bắt thêm khách.
Vì sợ muộn chuyến tôi phải hỏi phụ xe: "Mấy giờ xe mới đến nơi vậy ạ?". Phụ xe đáp: "11h30' em ơi". Vậy là muộn 20 phút so với nhẩm tính ban đầu của tôi. Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, xe tiếp tục vừa đi vừa bò trên quãng đường khoảng 2 km rời khỏi thành phố, mặc dù đường thông thoáng. Phụ xe đứng ở cửa và liên tục vẫy gọi những người đứng bên đường cho đến lúc xe vào cao tốc - lúc này đã là 9h30' (tức hơn một tiếng kể từ lúc rời bến).
>> Ai bỏ 450.000 đồng đi taxi đến bến xe miền Đông mới?
Trên đường cao tốc lại là một thái cực hoàn toàn khác. Chiếc xe khách lao vun vút như tên bắn. Có lúc đi qua cống ngang đường, chiếc xe nhảy chồm lên khiến nhiều vị khác đập cả đầu vào nóc xe. Trên ghế lái, tài xế liên tục nói chuyện với phụ xe về chiếc xe đang chạy đằng trước với một giọng hằn học: "Hôm nay nó chạy trước, vợt hết khách của mình". Kèm theo đó là hàng tràng câu chửi bới tục tĩu. Sự việc chỉ dừng lại khi chiếc xe mà tôi đang ngồi vượt lên trước. Phụ xe còn tranh thủ thò đầu qua cửa xe và tuôn ra một tràng câu chửi rửa. Trong suốt hành trình trên cao tốc, chốc chốc xe lại giảm tốc đột ngột, tạt vào làn khẩn cấp khi thấy có người đứng vẫy bên đường.
Vài năm gần đây, dịch vụ xe gọi đón tận cửa nhà phát triển mạnh. Xe chạy đúng giờ và không bao giờ bắt khách dọc đường, giúp tôi tiết kiệm rất nhiều thời gian, dù giá vé có đắt gấp đôi xe khách thường. Nhưng sự phát triển nở rộ này cũng khiến tình hình giao thông trong thành phố thêm áp lực. Không khó để nhận ra những chiếc xe này vì trên cửa xe đều có số hotline đặt xe. Rất nhiều nhà xe mở văn phòng ở các trục đường chính để tiện nhận khách. Nhiều xe giường nằm đỗ khá lâu ở cửa văn phòng vào giờ cao điểm làm tuyến đường vốn đã tắc nay càng tắc thêm.
Trong quy hoạch của thành phố, hầu hết các bến xe hiện tại chỉ là bến tạm thời, tức là sau vài năm sẽ được chuyển ra vị trí mới. Việc xây dựng một bến xe mới đòi hỏi rất nhiều chi phí đầu tư từ nguồn ngân sách. Nhưng đã có nhiều chuyên gia nói về việc xây dựng những bến xe chỉ có tính chất hoạt động tạm thời như vậy là sự lãng phí rất lớn về nguồn lực.
Sự hiệu quả của các bến xe cũng đặt ra dấu hỏi khi ngày càng nhiều các nhà xe bỏ bến để ra ngoài hoạt động chui ở bến cóc. Việc mất kiểm soát với các nhà xe như vậy tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho giao thông, trật tự đô thị và cả sự an toàn của hành khách. Dấu hỏi này có lẽ sẽ khó có câu trả lời với cách quản lý như hiện nay ở các bến xe.
Nếu để ý, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy trước cửa các bến xe luôn có lực lượng CSGT, TTGT túc trực. Nhưng chỉ cách đó 100-200 m, các nhà xe vẫn ngang nhiên dừng đỗ dọc đường để bắt khách. Nếu không có sự thay đổi trong cách quản lý, tôi chắc rằng trong tương lai không xa, bến xe sẽ ngày càng ế khách.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.