Trong một lần thực hiện nội soi dạ dày tại bệnh viện do có dấu hiệu đau bụng châm chích sau khi ăn, chị Trần Thanh Thy (quận Tân Bình, TP HCM) phát hiện mình bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP). Chị Thy hoang mang không biết liệu bị nhiễm HP có dẫn đến các bệnh viêm, loét dạ dày, tá tràng hay ung thư dạ dày như nhiều người thường nói hay không. Đồng thời, chị có bắt buộc phải điều trị hay có thể sống chung hòa bình với vi khuẩn này trong suốt cuộc đời hay không.
TS.BS Đỗ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, không riêng mình chị Thy, nỗi lo lắng về ung thư dạ dày khi phát hiện vi khuẩn HP thường thấy ở nhiều bệnh nhân. Đặc biệt, vẫn có những hiểu lầm về vi khuẩn HP gây lo lắng hoặc ảnh hưởng đến điều trị.
Không phải cứ nhiễm HP sẽ ung thư dạ dày
Trên thực tế, hầu hết người bị viêm dạ dày hoặc ung thư dạ dày, khi nội soi đều phát hiện có nhiễm vi khuẩn HP. Theo bác sĩ Hùng, tại Việt Nam, có trên 70% dân số bị nhiễm vi khuẩn này, còn trên toàn cầu con số này là 50%. Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) được phát hiện từ năm 1982. Đây là loại khuẩn gram âm kỵ khí, chỉ sống trong môi trường thiếu oxy, ở lớp nhầy niêm mạc dạ dày. Vi khuẩn sản sinh ra urease phá hủy thành niêm mạc dạ dày, gây tổn thương và viêm nhiễm mãn tính.
"Dù số người nhiễm HP nhiều, nhưng không phải ai nhiễm HP cũng đều bị viêm loét hay ung thư dạ dày", bác sĩ Hùng khẳng định.
Điều này do mối tương tác giữa chủng HP bị nhiễm với đặc điểm di truyền và các thói quen ăn uống của người bị nhiễm, nhất là thói quen thuốc lá, uống nhiều rượu bia, ăn thức ăn mặn, thức ăn được ngâm ướp bảo quản, đóng hộp... Còn lại, hầu hết người bị nhiễm HP hoàn toàn không có triệu chứng hoặc mắc các bệnh tiêu hóa nghiêm trọng.
Tự điều trị HP bằng kháng sinh
Hiện nay, nhiều người bệnh có thói quen tự mua thuốc ở các hiệu thuốc mỗi khi có dấu hiệu liên quan đến dạ dày hoặc nhiễm khuẩn HP. Theo bác sĩ Hùng, đây là thói quen vô cùng tai hại. Bởi việc điều trị một bệnh lý không chỉ là điều trị triệu chứng của bệnh. Đôi khi, bệnh nhân có triệu chứng rất mơ hồ, hoặc không có triệu chứng rõ ràng.
"Việc tự mua thuốc uống có thể sẽ làm giảm các triệu chứng tạm thời, nhưng sẽ gây nên hệ lụy, khiến bệnh âm thầm tiến triển bên trong, đến lúc bệnh nặng thì đã quá muộn. Việc tự ý mua kháng sinh uống còn dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, gây khó khăn trong điều trị các bệnh lý khác sau này", bác sĩ Hùng cảnh báo.
Theo bác sĩ Hùng, trong một số trường hợp, người bệnh cần điều trị các phác đồ để diệt vi khuẩn HP. Trong đó gồm: người bị loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn HP; người bị chứng khó tiêu chức năng; người xuất huyết giảm tiểu cầu nhưng không rõ nguyên nhân. Bệnh nhân từng ung thư dạ dày đã phẫu thuật, người thiếu máu, thiếu sắt khi phát hiện có vi khuẩn HP cũng cần điều trị.
Nhóm cần điều trị HP dự phòng ung thư dạ dày còn là những trường hợp trong gia đình có người bị ung thư dạ dày (bố, mẹ, anh, chị em ruột) hoặc người có khối u dạ dày như adenoma, polyp tăng sản, đã cắt hớt niêm mạc; người viêm teo niêm mạc dạ dày hoặc người làm việc ở môi trường có nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày. Bên cạnh đó, những bệnh nhân bị stress hoặc quá lo lắng về nguy cơ liên quan đến khuẩn HP, cũng có thể điều trị để tránh nguy cơ làm trầm trọng các bệnh khác do lo lắng quá mức.
Bác sĩ Hùng cho biết, về nguyên tắc, HP là vi khuẩn, nên phác đồ điều trị sẽ kéo dài trong khoảng hai tuần, phối hợp với các loại thuốc dạ dày kháng sinh. Thông thường, bệnh nhân điều trị diệt HP sẽ khỏi bệnh sau một phác đồ điều trị. Tuy nhiên, vẫn có những bệnh nhân điều trị hai phác đồ. Kết thúc hai phác đồ điều trị, nếu bệnh nhân vẫn dương tính với HP, bác sĩ sẽ áp dụng kháng sinh đồ.
Cách "sống chung" an toàn với vi khuẩn HP
Con đường lây nhiễm vi khuẩn HP phổ biến là qua ăn uống chung đụng và qua phân. Theo bác sĩ Hùng, cách phòng bệnh tốt nhất là không dùng chung muỗng đũa trong bữa ăn khi biết trong gia đình có người mắc bệnh dạ dày do vi khuẩn HP. Mỗi người cần rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Để giảm thiểu triệu chứng của các bệnh viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP, người bệnh nên ăn uống điều độ, không ăn quá no hay để bụng quá đói; không nên ăn quá mặn, tránh thức ăn quá nóng, quá lạnh, đồ ăn khó tiêu hoặc quá cứng; tránh thức ăn có nồng độ axit quá cao; hạn chế rượu bia.
Người bệnh cũng không nên thức khuya, tránh để bản thân căng thẳng, stress; thường xuyên tập thể dục, yoga, thiền để tâm trạng thư thái, ngủ đủ giấc để niêm mạc dạ dày kịp thời phục hồi.
"Nếu không ăn uống hợp lý, bạn rất dễ tái đi tái lại dù đã điều trị diệt HP. Người bệnh cũng cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, chỉ xét nghiệm và diệt HP khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa", bác sĩ Hùng khuyến cáo.
Hà Thanh