"Tôi đặt tên tiệm là Kiên Ký để tưởng nhớ người cha tên Kiên của mình. Chữ Ký trong tiếng Hoa thường được hiểu là cách gọi của từ 'cửa tiệm', nó còn thể hiện sự may mắn, thuận lợi trong buôn bán", người đàn ông 65 tuổi giải thích và cho biết thêm, chiếc xe ép mía của gia đình có tuổi đời gần bằng tuổi ông.
Ông nội của ông Tùng vốn là một nông dân sống ở Trung Quốc. Vào khoảng những năm 1940, gia đình này sang Việt Nam lánh tránh chiến tranh Trung - Nhật. Họ dừng chân ở khu vực thuộc đường Cô Giang ngày nay để lập nghiệp, bởi ở đây có khu chợ sầm uất, phía trước lại có con kênh, giao thông thuận lợi.
Ông Tùng được cha mình kể lại, thời đó để có nước mía bán, ông nội dùng một chiếc cối đá lớn tương tự chiếc cối xay đậu nành, cho trâu kéo vòng quanh để ép. Sau đó, người nhà hứng từng xô lớn rồi mang ra trước cửa nhà bán.
"Năm 6 tuổi, cha chở tôi bằng xe đạp sang một cửa hàng máy móc đối diện chợ Lớn mua xe ép nước mía chạy bằng mô tơ điện. Tôi vẫn còn nhớ hôm đó, cha tôi đã vui mừng như thế nào", ông Tùng hồi tưởng.
Theo cha phụ bán nước mía từ nhỏ nên ông Tùng là người duy nhất trong bốn người con nối nghiệp gia đình. Từ trước đến nay, ông cũng chưa từng thử học nghề hay chuyển sang buôn bán thứ gì khác bởi xe nước mía này đủ nuôi sống tất cả các thành viên gia đình suốt ba thế hệ.
"Thời trước, xe nước mía này giúp gia đình tôi không những đủ sống mà còn có dư", ông Tùng nói.
Những năm sau khi đất nước thống nhất, xe nước mía của gia đình ông Tùng nổi tiếng khắp khu vực quận 1. Những ngày hè nắng nóng, ông Tùng cùng vợ xay nước mía không kịp nghỉ tay. Mở bán cả ngày, nhưng thời điểm đông khách nhất vẫn là các buổi tối, khi những người lái đạp xích lô, người lao động kết thúc một ngày làm việc. Hàng chục chiếc xích lô nối đuôi nhau dọc con đường trước tiệm, tay cầm chiếc ca lớn chờ mua nước mía.
"Nhiều người nói với tôi, làm cả ngày mệt mà tối đến được uống ca nước mía, ăn thêm ổ bánh mì nữa là lại thấy khỏe như buổi sáng. Tôi ước gì lúc đó có chiếc máy ảnh để chụp lại cảnh đoàn xích lô nối đuôi nhau đó", ông Tùng hồi tưởng.
Hơn chục năm nay, khu vực đường cô Giang xuất hiện thêm nhiều điểm bán nước mía. Người dân cũng có nhiều lựa chọn hơn, đặc biệt là những loại nước ngọt công nghiệp. Để có thu nhập nuôi ba người con ăn học, ông Tùng tìm hiểu công thức, nấu thêm những loại nước như sâm bông cúc, nước mát, trà ô long để bán thêm.
Từng thử cho cam, quýt vào mía để ép cùng, tuy rất thơm, vị thanh hơn nhưng lại không hợp khẩu vị những khách quen nên hiện nay, ông chỉ ép nước mía nguyên chất.
Bí quyết để có một ly nước mía thơm ngon ngoài việc phải ép loại mía đường thì còn phụ thuộc vào chiếc máy ép "có một không hai" của gia đình. Chiếc máy hơn 60 tuổi đời gồm hai khối nhôm nguyên chất, ép được 5 - 6 cây mía cùng lúc.
"Máy phải khỏe, ép đến khô kiệt nước. Vị thơm, ngon và béo của nước mía phụ thuộc vào chút ít lượng nước được ép ra ở lần cuối cùng", ông cho biết. Chính vì thế, ông chưa bao giờ có ý định thay thế chiếc xe nước mía cũ của người cha bằng một chiếc máy ép hiện đại.
"Mặc dù cũ và cồng kềnh nhưng như vậy mới thể hiện được quy mô của cửa tiệm, quy mô của một cái nghề", ông nói.
Diệp Phan