15h hàng ngày, tiệm sách "3 không" của ông Cần, 68 tuổi, ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh bắt đầu mở cửa. Gian nhà chỉ rộng hơn 10m2 nhưng chứa gần 10.000 đầu sách đủ thể loại. Pha xong ly cà phê, ông lấy gần chục cuốn sách vừa mua ban sáng ngồi đọc lược phần mở đầu. Sau khi nắm sơ nội dung, ông xếp chúng đúng vào vị trí thể loại đã ghi tên trên kệ.
Khách đến mượn sách không cần ghi biên nhận hay đặt cọc tiền. Ông Cần cũng không bắt buộc họ đọc xong phải trả lại, tất cả đều miễn phí. "Không trả lại cũng chẳng sao, nếu cuốn sách đó được chuyển đến tay nhiều người đọc khác thì càng tốt", ông Cần nói.
Cái duyên để tiệm sách miễn phí này ra đời bắt nguồn từ niềm đam mê đọc sách của ông Cần. Thời bé, ông thường "đọc cọp" những cuốn sách yêu thích ở một góc nào đó trong nhà sách, rồi đành ra về vì chẳng có tiền mua. Thỉnh thoảng ông mới mượn được một vài cuốn từ bạn bè.
Thói quen đọc sách cứ thế kéo dài đến lúc về già. Ông đọc và sưu tập nhiều sách với mơ ước mở một tiệm sách miễn phí, gieo "duyên đọc sách" đến người không có điều kiện mua sách như mình ngày xưa.
Năm 2010, ông quyết định mở tiệm sách, nhưng vẫn đi làm thư ký văn phòng cho một công ty tư nhân. Hai năm sau, vì mải dành thời gian cho sách, ông không còn chú tâm vào công việc nên chủ động xin nghỉ. Từ đó, ông dành trọn tâm huyết vào tiệm sách miễn phí của mình.
Gia đình ông Cần sống ở quận 4, căn nhà mở tiệm sách vốn là của cha mẹ ông để lại. Mặt bằng rộng, ông Cần cho thuê 2/3 để mở quán cà phê, phần còn lại dành mở tiệm sách. Từ ngày mở tiệm đến nay, cứ hai ngày ông mới về nhà một lần. Buổi sáng, ông đến những nhà sách lớn trong thành phố săn những đầu sách mới, buổi chiều mở tiệm đến 21h mới nghỉ.
Để có tiền mua sách mới, ngoài khoản tiền cho thuê mặt bằng, ông Cần bán thêm vài loại sách phổ thông. "Ai mua thì tôi bán rẻ, về đọc không ưng đem tới tôi hoàn tiền. Còn nếu mượn thì cứ thoải mái, muốn sao cũng được", ông Cần cười xuề xòa.
"Thấy ông ấy làm điều tốt nên tôi không cản, chỉ thường nhắc nhở ổng ăn uống đầy đủ thôi", bà Nguyền Thị Hoàng, 63 tuổi, vợ ông Cần chia sẻ.
Ban đầu, tiệm sách của ông chỉ có khoảng vài trăm cuốn, sách Phật học chiếm hơn 70%. Nhưng càng làm càng mê, nên ông Cần sưu tầm thêm nhiều thể loại sách khác nhau để phục vụ nhiều đối tượng.
Để tiết kiệm tiền, ông Cần không dám đặt mua kệ sách mà mua khung sắt và ván gỗ về tự cưa rồi lắp ráp. Những chiếc kệ cứ cao dần lên đến tận trần nhà, phủ kín bức tường cạnh cầu thang và đầy ắp cả phòng ngủ của ông ở tầng 2. Năm nay, không gian trống của căn phòng chỉ còn vừa đủ để ông treo chiếc võng ngả lưng mỗi đêm.
"Lúc mới mở tiệm, nhiều người bảo, chỉ dăm bữa nửa tháng người ta lấy sạch chẳng còn cuốn nào, ấy vậy mà cũng tròn 10 năm rồi. Tôi đang lo dăm ba năm nữa không còn chỗ để sách", ông Cần cười.
Thời đó, khách đến chủ yếu là người lớn tuổi hoặc những người muốn tìm hiểu về đạo Phật. Nhưng những năm gần đây, ông Cần thấy lớp trẻ đến tiệm chiếm đa số. Đó là điều khiến ông hài lòng nhất, bởi đã góp phần giúp người trẻ duy trì đam mê và thói quen đọc sách.
Bởi vì khách đến tiệm được tự do chọn lựa sách đem về nên ông Cần từng gặp nhiều người lựa sách mới của ông về bán. Có người còn bảo ông: "Ai biểu ông dễ quá làm gì". Ông Cần cũng chỉ cười rồi lần sau không tiếp người đó nữa.
Từ ngày mở tiệm sách, ông Cần có thêm nhiều người bạn. Những người bạn già cùng uống trà, bàn về những cuốn sách hiếm vừa tìm được. Những người trẻ thì thường nhờ ông gỡ rối những khúc mắc trong cuộc sống. "Dù nằm trên một con đường lớn với lượng xe cộ qua lại liên tục, nhưng đối với mình, tiệm sách của bác Cần là nơi bình yên nhất ở Sài Gòn", Lê Văn Minh, 25 tuổi, một nhân viên văn phòng đã 4 năm mượn sách ở tiệm ông Cần chia sẻ.
Dành tất cả của cải, tâm sức để chia sẻ sách, những điều ông Cần nhận lại là tấm bảng hiệu, bộ bàn ghế hay chiếc áo mới được những vị khách dành tặng. Ông Cần đã trao đi hàng ngàn cuốn sách, những cuốn sách có thể sẽ quay lại với ông rồi đến tay người khác, cũng có thể đã "một đi không trở lại". Nhưng tất cả không làm ông Cần bận tâm, bởi dù sao thì, "khi muốn cuốn sách rời khỏi tiệm là kiến thức đã được trao đi", ông nói.
Diệp Phan