4h sáng, trời còn mờ tối bà Mai đã thức dậy, đạp chiếc xe cũ đến chợ côn trùng gần Chợ Lớn để mua dế và sâu bọ. Trên đường về, bà ghé chợ mua thêm vài con cá nục hấp. Đó là những món ăn "khoái khẩu" của đàn chim trời và mèo hoang ở Thảo Cầm Viên, quận 1, mà bà tự nguyện chăm sóc 15 năm qua.
"Tui lỡ cho tụi nó ăn rồi, giờ bỏ tụi nó đói tội nghiệp", bà Mai nói, rồi thúc nhanh chiếc xe đạp cũ về nhà giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa. Xong việc, bà đạp xe đến Thảo Cầm Viên.
Bà Mai làm nghề bán đồ chơi trẻ em trước cổng Sở thú đã gần 30 năm. Những người buôn bán ở đây thường gọi bà với cái tên thân mật là Dì Năm. Bà có duy nhất một người con trai, đã lập gia đình và ở riêng. Hiện tại bà đang sống cùng một người chị gái của mình trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3.
"Cái duyên" đưa bà Mai đến với đàn chim là khi cậu con trai đang học lớp 7, cậu bé xin mẹ mua lồng để nuôi cặp chim kiểng, bà Mai đồng ý. Cũng từ đợt đó, thỉnh thoảng thấy những chú chim non bị lạc mẹ, hai mẹ con bà lại đem về nhà chăm sóc. Tình yêu với những chú chim nhỏ cứ thế lớn dần.
Thời đó, mỗi khi thay mới thức ăn trong lồng nuôi chim cảnh của con trai, còn dư vài hạt thóc, bà tiếc nên rải ngoài sân cho lũ chim sẻ xuống ăn. Thấy chúng tới ngày một nhiều, bà Mai không đành lòng để chúng nhịn đói bay đi nên đều đặn cho ăn mỗi sáng. Ở Sở thú, bà bắt đầu để ý tới đàn chim sẻ nhỏ, ban đầu chỉ rải ít vụn bánh mì rồi ít cơm thừa cho ăn. Rồi khi đàn chim sẻ, sáo, bồ câu đến nhiều hơn, đậu xuống vỉa hè ăn dạn dĩ hơn, bà bắt đầu phải bỏ tiền mua thêm gạo, thóc cho chúng ăn.
Không chỉ đàn chim trời được bà Mai chăm bẵm. Khoảng 5 năm trước, khi chuẩn bị dọn hàng buổi sáng, bà Mai nghe tiếng mèo con kêu ở góc cổng Sở thú. Lần theo tiếng kêu, bà thấy ba chú mèo con bị ai đó vứt bỏ, rồi bà giữ lại, hàng ngày nhịn miếng cơm, miếng cá nuôi lớn lũ mèo.
Những lần tìm ba chú mèo con để cho ăn, bà Mai để ý thấy trong bãi xe, lùm cây lại có thêm nhiều con mèo khác, tất cả đều gầy trơ xương và cảnh giác với người lạ. Thấy vậy, bà Mai lại mua thêm cá, nấu thêm cơm nuôi lũ mèo hoang này. Đến nay, đàn mèo hoang được bà cho ăn đã lên đến vài chục con.
Khoảng 9h sáng hàng ngày, sau khi dọn xe hàng của mình ra trước cổng, bà Mai dường như chẳng bận tâm buôn bán mà chỉ lo trộn cơm, trộn thóc gạo chuẩn bị cho chim, cho mèo ăn.
"Bà nội đây, ra ăn đi mấy đứa. Con ăn đi đừng sợ, có bà nội đây", bà Mai gọi lũ mèo hoang còn dè chừng núp sau lùm cây ra để cho ăn. Vừa gọi, tay bà vừa gỡ xương cá, trộn cơm rồi đặt nhiều chỗ để lũ mèo đến sau có thể tìm thấy.
Covid-19 khiến Thảo Cầm Viên phải đóng cửa, việc bán hàng của bà Mai trở nên ế ẩm. Tiền bán hàng không đủ 100.000 đồng mua thức ăn cho lũ chim. sóc và mèo hoang mỗi ngày. Lúc trước buôn bán được, bà có tiền nên mua nhiều cá cho mèo ăn, chỉ cho ăn thịt cá, bỏ xương. Nhưng gần đây, bà mua ít cá hơn, giữ lại phần xương và ruột cho lũ mèo ăn thêm. "Tui sợ tụi nó đói lắm", bà Mai nói.
Nửa tháng trước, bà đã bán chiếc nhẫn đang đeo với giá gần 2 triệu để cầm cự chờ qua dịch nhưng quyết không bỏ đàn chim và lũ mèo. Đợt đó, hễ nghe nói chỗ nào có phát gạo, bà lập tức nhờ người chở đến xin gạo về nấu cơm cho mèo.
"Trước đây có tiền thì ngày nào cũng mua dế cho chim nhưng giờ thì 2 ngày mới mua một lần, không có tụi nó thèm tội nghiệp", bà vừa xoa ngón tay vẫn còn dấu hằn của chiếc nhẫn vừa nói.
"Bà Năm thương mèo hoang đến nỗi mua hộp cơm gà nhưng chỉ ăn cơm với nước tương còn chừa phần gà lại cho tụi mèo. Lúc nào bả có tiền, bả còn mua tôm lột cho tụi nó ăn", bà Phụng, 59 tuổi, bán bánh mì cạnh bà Mai chia sẻ.
Cách chỗ bà Mai chưa đầy 1 km, cạnh Nhà thờ Đức Bà, ở đường Công xã Paris, quận 1 có chị Nguyễn Ngọc Quang Thanh, 42 tuổi, cũng hơn 10 năm nay bỏ tiền mua thóc, đậu, nuôi đàn chim bồ câu hoang hơn 500 con.
Khoảng 10h sáng mỗi ngày, trước khi dọn hàng nước của mình bên hông trường Tiểu học Hòa Bình, chị Thanh cầm lon thóc lắc mạnh để tạo tiếng kêu, lập tức hàng trăm con chim bồ câu đang đậu trên các cây cao cạnh đó sà xuống. Sau đó, chị Thanh đổ nước vào một chiếc thùng nhựa lớn đặt trên vỉa hè, vậy là đàn chim bồ câu yên tâm mổ thóc và tắm táp suốt cả ngày.
"Tui bán ở đây cũng có đồng ra đồng vô, tui còn làm ăn được thì bầy chim bồ câu này cũng không lo bị đói", chị Thanh nói.
Chị Thanh đã bán nước ở đây hơn 20 năm. Năm 2005, sau đợt dịch cúm gia cầm khu vực này xuất hiện khoảng chục con chim bồ câu từ nơi khác bay đến. Lúc này, có một người thợ chụp ảnh già thường đến cho chúng ăn. Trước khi qua đời, ông thợ ảnh có dặn chị Thanh và một người nữa giúp mình chăm đàn bồ câu, cho chúng ăn và trông chừng đừng để người lạ bắt.
Từ đàn bồ câu chỉ vài chục con đến nay đã có hơn 500 con. Mỗi ngày chị Thanh tốn hơn 100.000 mua thóc, đậu cho chim ăn. Khách du lịch và nhiều người dân thành phố rất thích đến đây để cho chim ăn và chụp hình.
"Đàn chim này là của trời, không phải của riêng tôi. Nhưng nếu tôi không bảo vệ chúng thì chúng đã bị người ta bắt hết", chị Thanh nói.
3 tuần cách ly xã hội vì Covid-19 là khoảng thời gian thất nghiệp dài nhất của chị Thanh kể từ khi bắt đầu bán nước ở đây. Không ra buôn bán, nhưng mỗi sáng chị Thanh đều chạy xe máy từ nhà ở quận 6 ra nhà thờ để cho đàn chim ăn.
"Những ngày vắng chị Thanh, đàn chim ít khi đậu xuống vỉa hè, chúng thường đậu trên cây và trên mái của Bưu điện thành phố", anh Hải, một phụ huynh thường dẫn con mình đến cho chim bồ câu ăn nói.
Diệp Phan |