Sáng 23/1, bà Ngô Thị Lam Giang, 70 tuổi, cùng con gái đã có mặt tại sân trường, trên xe chở hai thùng rau lớn. Nhà bà ở phường 14 nhưng lại có một vườn rau ở quận 12, gia đình không ăn hết nên hàng tuần bà lại mang rau quả đến bán ở "Phiên chợ xanh".
Đây là sáng kiến của Hội phụ nữ phường 14 nhằm duy trì nguồn kinh phí hỗ trợ những phụ nữ khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo hoặc neo đơn của phường. Bà Trần Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội giải thích thêm: "Thông thường, để có kinh phí, Hội thường vận động các mạnh thường quân quyên góp. Nhưng 'xin hoài cũng ngại' và để chủ động nguồn kinh phí, giúp đỡ thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn khác, tôi nghĩ ra việc tổ chức Phiên chợ xanh".
"Chợ" không họp ở một địa điểm cố định mà thay đổi mỗi tuần để tiếp cận được nhiều người dân hơn. Vì toàn là rau củ quả trồng ở các sân thượng gia đình nên sản lượng không đều, mỗi phiên chợ chỉ có khoảng 10 hộ tham gia, thay phiên nhau.
Tuần này, chợ họp ở sân trường tiểu học Lê Đình Chinh trong hẻm số 7, đường Thành Thái. Để chuẩn bị "hàng" cho chợ, từ chủ tịch Hội cho đến những hội viên đều góp tay với không khí vui vẻ.
Là một người dân sống trong khu phố 3, nhà bà Tống Thị Hồng, 67 tuổi, có mảnh vườn rộng gần 100 m2 trên sân thượng. Trước đây, những loại rau trái do chính tay bà trồng thường chỉ phục vụ cho bữa ăn gia đình, nếu dư mang tặng bạn bè. Nhưng một năm nay, kể từ ngày tham gia Phiên chợ xanh do chị Thủy phát động những loại rau trái của bà thường được mang ra bán. Tất cả số tiền kiếm được bà đều dành để góp vào quỹ của hội.
"Trồng rau đủ cho gia đình ăn đã là một niềm vui lớn với người già như tôi nhưng từ những rau trái đó lại giúp người khác tôi thấy rất có ý nghĩa, tinh thần tôi cũng vui vẻ, thoải mái hơn rất nhiều", bà Hồng nói.
Ông Phạm Phú Trường, 64 tuổi, tổ trưởng khu phố 1 có mảnh vườn sân thượng rộng gần 40 m2 cũng thường mang đến chợ những loại rau trái trồng được. Tùy theo sản lượng thu hoạch, có tuần ông mang đến vài quả mướp, tuần thì dăm quả ổi hoặc vài ký rau đủ loại. "Việc trồng rau sân thượng giữa thành phố không phải hiếm, nhưng để có một phiên chợ bán những sản phẩm nhà trồng thì không phải phường nào cũng có. Hoạt động này giúp người dân trong phường đoàn kết, gắn bó với nhau hơn", ông Trường nói.
Chị Thủy cho biết, sau một năm phát động, hiện nay đã có hơn 200 hộ gia đình trong phường đăng ký tham gia Phiên chợ xanh. Hàng tuần, trước khi họp chợ, chị sẽ đăng thông báo lên một nhóm chat để các hộ gia đình sắp xếp đem sản phẩm của mình đến.
Để đảm bảo chợ hoạt động thường xuyên và mở rộng mô hình, thời gian gần đây chị Thủy liên kết thêm với những hội viên có vườn rau, trái cây chuẩn VietGap. Thứ 3, thứ 5 hàng tuần, những nhà vườn trong hội sẽ cắt rau giao tận tay người đặt mua. Những hội viên có sản phẩm "home made" như bánh, cà phê cũng được chào bán tại chợ.
"Trung bình mỗi tháng, chúng tôi thu được khoảng 2 triệu đồng. Số tiền này dùng để mua bảo hiểm y tế tặng cho những phụ nữ mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Những phần quà vào dịp lễ Tết cho các cụ già neo đơn cũng đầy đủ hơn trước đây", chị Thủy cho biết.
Tham gia phiên chợ xanh từ sáng sớm, ông Lê Văn Nuôi, ở khu phố 1 thấy lạ lẫm trước những cây cải kale, rau ngót Nhật mà ông lần đầu nhìn thấy. Chưa từng ăn những loại rau này, người đàn ông 70 tuổi phải nhờ đến sự tư vấn về công dụng, cách chế biến từ người bán.
"Tôi bắt đầu thích mua rau ở những Phiên chợ xanh này vì sản phẩm rất chất lượng. Các hộ trồng trên sân thượng để phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình nên tôi rất an tâm, giá rẻ hơn so với siêu thị, lại đa dạng nhiều loại rau. Chắc tôi phải ăn rau nhiều hơn để góp phần giúp đỡ người khó khăn", ông cười, nói.
Cũng có mặt tại phiên chợ để mua ít rau xanh cho gia đình sử dụng, chị Nguyễn Thị Hải Yến, 51 tuổi mắc bệnh ung thư vú cho biết, từ ngày mắc bệnh, vì không có đủ sức khỏe nên chị không đi làm mà ở nhà nội trợ. Chồng chị Yến làm công nhân, thu nhập không cao nên mọi chi tiêu phải gói gém để lo hai con ăn học.
"Tôi biết phần lời từ những bó rau này sẽ được trích ra để mua gạo, nhu yếu phẩm tặng gia đình mình nên cũng mua để ủng hộ. Mỗi bó rau, quả bí ở đây không chỉ đơn giản là thực phẩm mà còn là tình cảm của người dân trong phường gửi gắm đến gia đình tôi", người phụ nữ sống ở khu phố 11 nói.
Diệp Phan