Ban đầu anh được chẩn đoán mắc bệnh vảy nến, viêm da cơ địa tại một cơ sở y tế, điều trị bằng thuốc bôi và uống ba tháng không đỡ. Ngứa dữ dội, nhất là vào ban đêm, khiến anh mất ngủ, gãi mạnh trầy xước da. Hàng trăm nốt sần đường kính 3-5 mm nổi gồ trên bề mặt da. Một số nốt sần lâu ngày hết ngứa, đóng mài, chuyển thành vết tăng sắc tố.
Ngày 20/12, ThS.BS.CKI Phạm Trường An, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết anh Kiên mắc bệnh ghẻ. Các dấu hiệu điển hình là ngứa nhiều về đêm, sẩn mụn nước nổi nhiều nhất là ở các vùng da non như kẽ ngón tay, cổ tay, vùng rốn, vùng sinh dục, mặt trong cánh tay và đùi.
"Bệnh nhân bị ghẻ dai dẳng không điều trị kịp thời nên bệnh bùng phát mạnh toàn thân", bác sĩ An nói.
Ghẻ là bệnh lây nhiễm ngoài da thường gặp do ký sinh trùng cái ghẻ (Sarcoptes scabiei) xâm nhập vào thượng bì da. Con cái ghẻ nhỏ, khó nhìn thấy bằng mắt thường.
Bệnh ghẻ có thể lây truyền từ người sang người theo đường trực tiếp qua tiếp xúc thông thường hoặc đường gián tiếp qua các vật dụng như giường chiếu, chăn màn, quần áo dùng chung.
Ở các khu vực có điều kiện vệ sinh kém hoặc nơi ở đông đúc, chật hẹp, sống tập thể, thiếu vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt như ký túc xá, nhà trẻ, nguy cơ mắc bệnh ghẻ cao. Người có hệ miễn dịch suy yếu cũng dễ mắc bệnh hơn.
Bác sĩ An cho rằng anh Kiên có thể nhiễm ký sinh trùng ghẻ trong chuyến du lịch trước đó, bởi anh và gia đình, người xung quanh chưa từng mắc bệnh này. Anh được bác sĩ kê thuốc xịt toàn thân đặc trị ghẻ, hướng dẫn vệ sinh nhà cửa, nhất là những vật dụng tiếp xúc với da như quần áo, chăn gối, ga giường, nệm...
Sau hai tuần điều trị theo phác đồ, các nốt sần phẳng hơn, triệu chứng ngứa giảm đáng kể, người bệnh ngủ được nhiều hơn. Các nốt sang thương đã lành nhưng còn thâm cần nhiều thời gian hơn để tự lành hoặc có thể cần phải can thiệp thẩm mỹ để giảm thâm.
Thời gian hoạt động chính của cái ghẻ là ban đêm, khi chúng tìm kiếm thức ăn, giao phối và đào hầm, theo bác sĩ An. Việc đào hầm kích thích đầu dây thần kinh cảm giác ở da, gây ngứa ngáy, khó chịu. Các mụn nước màu trắng đục thường có kích thước nhỏ, nằm riêng rẽ, không tập trung thành chùm trên da.
Các tổn thương trên da của bệnh ghẻ dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác, như vảy nến, tổ đỉa, viêm da cơ địa, nấm da.... Để chẩn đoán bệnh chính xác, bác sĩ da liễu cần khám lâm sàng cẩn thận kết hợp khai thác kỹ bệnh sử và tiền sử bệnh.
Nếu không điều trị, bệnh tái phát dai dẳng, lây cho nhiều người. Bên cạnh đó, ghẻ có thể có biến chứng bội nhiễm (nhiễm thêm các vi khuẩn khác), chàm hóa... Bệnh còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý và chất lượng sống của người bệnh.
Bác sĩ An khuyến cáo người có các dấu hiệu mụn nước nổi rải rác trên các vùng da mỏng, ngứa nhiều về đêm, gặp ở những người cùng sinh hoạt chung... cần đến bệnh viện có chuyên khoa da liễu để được khám và điều trị sớm. Cần điều trị cho tất cả thành viên trong gia đình để hạn chế bệnh lây lan.
Đầu năm nay, gần 150 người, chiếm một nửa dân số ở thôn Tang, xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, được phát hiện bệnh ghẻ. Hồi tháng 4, hơn 400 học sinh hai trường tiểu học huyện miền núi Nam Trà My, Quảng Nam, mắc bệnh ghẻ, lây lan nhau do ở tập thể vệ sinh không sạch sẽ. Một gia đình ở Bắc Giang tháng trước cũng được phát hiện nhiễm ký sinh trùng ghẻ, sau khi người chồng mắc bệnh nhưng bị chẩn đoán nhầm thành sùi mào gà.
Anh Thư
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |