BS.CKI Võ Thị Tường Duy, khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên, giải thích thêm ghẻ cái có kích thước khoảng 0,3 mm nên khó nhìn thấy bằng mắt thường, ký sinh ở lớp sừng của thượng bì.
Ghẻ thường lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với da người bệnh, đồ dùng, quần áo nhiễm ký sinh trùng. Bệnh có thể xuất hiện thành ổ dịch ở các đơn vị tập thể, vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, người suy giảm sức đề kháng như ghép tạng, nhiễm HIV, cao tuổi...
Theo bác sĩ Duy, ngứa dữ dội vào ban đêm là dấu hiệu nhận biết bệnh ghẻ, nhất là vùng da non nhiều như vùng cạp quần, bẹn, mặt trong đùi. Ngứa khiến trẻ em khó ngủ, quấy khóc về đêm. Vùng da người mắc bệnh ghẻ thường trầy xước do cào gãi nhiều. Các sẩn nhỏ màu đỏ xuất hiện rải rác ở vùng cổ tay, rốn, bộ phận sinh dục, ngực, mông và các nếp gấp. "Đường hầm" do ghẻ cái đào trong lớp sừng khi đẻ trứng có hình ngoằn ngoèo, màu trắng nhạt kèm vảy da và mụn nước.
Chẩn đoán bệnh ghẻ không chỉ dựa vào dấu hiệu lâm sàng, yếu tố dịch tễ. Nếu cần thiết bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm tìm ký sinh trùng trên kính hiển vi. Việc điều trị bệnh ghẻ diễn ra đồng thời cho những người sống và sinh hoạt chung với bệnh nhân.
Bác sĩ chỉ định các loại thuốc bôi, tắm, xịt là chủ yếu, kèm theo thuốc uống nếu cần. Sử dụng thuốc bôi sau khi tắm để tăng hiệu quả. Bôi một lần vào buổi tối, toàn thân (trừ da đầu và mặt), nhất bôi kỹ ở các kẽ ngón, nếp gấp, phía sau tai và quanh móng. Dùng kem dưỡng ẩm bôi lên da để giảm ngứa. Các loại thuốc bôi trị ghẻ cho đáp ứng tốt sau 3-5 ngày sử dụng.
Bệnh ghẻ được chia thành nhiều thể khác nhau. Với ghẻ giản đơn, tình trạng chỉ có "đường hầm" và mụn nước, ít tổn thương thứ phát. Ghẻ nhiễm khuẩn có mụn mủ do bội nhiễm liên cầu, tụ cầu, có thể có biến chứng viêm cầu thận cấp. Ghẻ biến chứng viêm da, chàm hóa do chà xát, cào gãi lâu ngày...
Bác sĩ Tường Duy cho biết để phòng bệnh, tốt nhất tránh tiếp xúc với nguồn bệnh, không dùng chung đồ dùng cá nhân với người bị ghẻ. Giặt sạch quần áo, vật dụng cá nhân, sau đó mang đi phơi khô, cho vào túi nilon buộc kín trong ít nhất 72 giờ, vì ghẻ thường chết khi không ký sinh trên người trong 2-3 ngày.
Vệ sinh cá nhân hàng ngày với xà phòng, nhất là ở các nếp như kẽ ngón tay, bẹn, rốn... Kiên trì dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Lấy khăn ướt lau hoặc ngâm, làm mát da bằng nước lạnh để giảm ngứa. Dùng kem dưỡng da dịu nhẹ để giảm kích ứng da. Người có những triệu chứng nghi ngờ nên đến khám bác sĩ da liễu - thẩm mỹ da để điều trị.
Phan Yên