Trả lời:
Viêm da tiếp xúc là bệnh về da do tiếp xúc trực tiếp với chất gây dị ứng hoặc kích ứng, thường gặp là thành phần kim loại trong trang sức, cao su tổng hợp trong găng tay hoặc hóa chất từ mỹ phẩm; hóa chất như axit, kiềm, thuốc nhuộm... Một số người có thể có phản ứng khi tiếp xúc với thực phẩm.
Bạn nổi mẩn đỏ khi đi ngoài mưa có thể là biểu hiện của viêm da tiếp xúc thực vật do nhựa cây, phấn hoa có trong nước mưa gây kích ứng hoặc dị ứng. Ngoài ra, bụi bẩn, hóa chất trong nước mưa cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.
Thời tiết ẩm ướt còn là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển bằng cách làm tăng độ ẩm, thay đổi pH da và làm da nhạy cảm hơn với các chất gây kích ứng. Khi tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng, vùng da sưng đỏ, ngứa, có vảy, nứt hoặc bong tróc, nổi mẩn đỏ.
Không chỉ gây ngứa và khó chịu, bệnh còn ảnh hưởng thẩm mỹ. Để cải thiện tình trạng da, người bệnh nên rửa sạch vùng da tổn thương bằng nước và xà phòng dịu nhẹ để loại bỏ chất kích ứng. Hạn chế sử dụng xà phòng có hương liệu hoặc chất tạo màu, tạo mùi. Nên dùng kem ngừa dị ứng da hoặc kem corticosteroid được bác sĩ chỉ định để giảm sưng, đỏ, ngứa.
Sử dụng kem dưỡng ẩm không mùi, không gây kích ứng để giữ cho da ẩm mượt, giảm ngứa. Tránh tiếp xúc với chất gây kích ứng và ngừng sử dụng sản phẩm ngay khi có dấu hiệu kích ứng da. Uống và bôi thuốc theo đơn bác sĩ kê toa.
Để ngừa bệnh, cần xác định và tránh tiếp xúc với chất kích ứng da khi đã biết nguyên nhân. Khi dùng với hóa chất hoặc vật phẩm có thể gây kích ứng, nên đeo găng tay, mặc đồ bảo hộ. Sử dụng mỹ phẩm, kem dưỡng đã được kiểm định chất lượng. Thoa kem chống nắng bảo vệ da khỏi tác động của tia UV. Tránh tiếp xúc với thực vật có khả năng gây kích ứng da.
Hầu hết, viêm da dị ứng tiếp xúc không quá nghiêm trọng, có thể tự khỏi khi da không còn tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, bệnh dễ tái phát nếu không xác định được nguyên nhân. Nhiều trường hợp điều trị không đúng cách khiến viêm da tiếp xúc lan rộng, nhiễm trùng tạo thành sẹo ảnh hưởng lớn tới thẩm mỹ.
Xác định nguyên nhân, thực hiện chăm sóc và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa có thể giúp kiểm soát tình trạng này hiệu quả. Tuy nhiên, nếu triệu chứng trở nên nghiêm trọng hoặc kéo dài, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu - thẩm mỹ da để được tư vấn và điều trị đúng phương pháp.
BS.CKI Nguyễn Thị Kim Dung
Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM