Chị Hồng làm việc văn phòng, ít vận động, nặng hơn 76 kg, cao 1,55 m. Biết mình thừa cân, chị hạn chế tinh bột, ăn ít nhưng không giảm được cân. Khám sức khỏe cuối năm ngoái, kết quả siêu âm ổ bụng ghi nhận gan nhiễm mỡ mức độ hai, chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM điều trị béo phì để cải thiện bệnh gan nhiễm mỡ. Kết quả đo bằng máy InBody cho thấy chị có chỉ số khối cơ thể (BMI) 31,6 kg/m2, béo phì độ hai, mức mỡ nội tạng 162 cm2 (mức trung bình dưới 100 cm2), thuộc ngưỡng mỡ nội tạng xấu.
Ngày 13/2, BS.CKII Trương Thị Vành Khuyên, Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, cho biết lượng mỡ tích tụ ở gan chiếm gần 20% tổng trọng lượng gan. Chị Hồng bị tăng cân quá mức gây dư thừa mỡ nội tạng, từ đó làm tăng nguy cơ và mức độ gan nhiễm mỡ. Gan không thể hoạt động hiệu quả khi bị nhiễm mỡ, ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa và loại bỏ độc tố khỏi cơ thể. Điều này gây tích tụ chất độc trong cơ thể, với triệu chứng mệt mỏi, tức bụng, đau nhức đầu, khó ngủ cho người bệnh. Gan nhiễm mỡ kéo dài, không được kiểm soát tốt có thể khiến chức năng gan suy giảm, tổn thương, dẫn đến xơ gan, viêm gan, ung thư gan. Lượng mỡ nội tạng tích tụ có thể ảnh hưởng đến các động mạch, làm tăng sức ép lên hệ thống tim mạch, dẫn đến bệnh tim, đột quỵ.
![Bác sĩ siêu âm kiểm tra tình trạng gan nhiễm mỡ của người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/12/hi-nh-1-2-1739327185-173932741-4792-3457-1739327443.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XfkzO-85Modrin_OX9uuuw)
Bác sĩ siêu âm kiểm tra tình trạng gan nhiễm mỡ của người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bác sĩ lên phác đồ điều trị giảm mỡ toàn thân cho chị Hồng bằng thuốc uống và thuốc tiêm, kết hợp chế độ dinh dưỡng, vận động phù hợp với công việc và sinh hoạt. Tái khám sau hai tháng, dù chưa hết lộ trình điều trị nhưng lượng mỡ nội tạng của chị đã gần về mức an toàn, gan nhiễm mỡ cũng giảm xuống chỉ còn độ một.
Gan nhiễm mỡ là tình trạng lượng mỡ tích tụ trong gan vượt quá 5% trọng lượng. Bác sĩ chẩn đoán bằng siêu âm, xét nghiệm máu, xét nghiệm chức năng gan. Một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, đo InBody... để xác định mức độ mỡ trong gan cũng như lượng mỡ nội tạng trong cơ thể.
Giảm khoảng 5-10% trọng lượng cơ thể giúp giảm mỡ gan, cải thiện tình trạng kháng insulin, giảm viêm, chuyển hóa lipid tốt hơn và cải thiện chức năng gan, theo bác sĩ Khuyên. Người bệnh gan nhiễm mỡ không do béo phì nên áp dụng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất, tập thể dục thường xuyên, góp phần giảm mỡ trong gan. Bác sĩ khuyến cáo mọi người khám sức khỏe nếu phát hiện gan nhiễm mỡ nên đi khám chuyên sâu tránh để bệnh chuyển biến nặng.
Đức Hạnh
20h, ngày 13/2, hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức tư vấn trực tuyến: "Giảm cân, giảm mỡ nội tạng, năm mới khỏe mạnh", phát trên VnExpress. Các bác sĩ Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì tham gia tư vấn gồm TS.BS Lê Bá Ngọc, ThS.BS.CKI Hà Thị Ngọc Bích, BS.CKI Võ Trần Nguyên Duy, ThS dinh dưỡng Trần Quyền An. Độc giả đặt câu hỏi tại đây để được tư vấn.