Trả lời:
Gan nhiễm mỡ là tình trạng tích tụ mỡ hay chất béo trong tế bào gan cao hơn mức bình thường. Tùy theo lượng mỡ tích tụ trong gan, gan nhiễm mỡ được chia thành ba cấp độ. Gan nhiễm mỡ độ một (nhẹ) với lượng mỡ chiếm khoảng 5-10% trọng lượng gan. Gan nhiễm mỡ độ hai (vừa) tương đương lượng mỡ chiếm 10-25% trọng lượng gan. Gan nhiễm mỡ độ ba khi lượng mỡ hơn 30% trọng lượng gan, là mức độ nặng nhất.
Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra như uống rượu bia khiến gan nhiễm độc. Chất cồn từ rượu bia tấn công và làm tổn thương tế bào gan dẫn đến suy yếu chức năng giải độc gan.
Gan nhiễm mỡ không do rượu bia đến từ lối sống, bao gồm thói quen ăn uống kém lành mạnh và ít vận động. Người ăn quá nhiều thực phẩm chứa dầu mỡ, chất béo, chất bột đường có nguy cơ cao tích tụ nhiều mỡ trong gan. Ít vận động, mắc các bệnh như béo phì, tiểu đường, máu nhiễm mỡ, huyết áp cao, rối loạn tuyến yên... cũng là nguyên nhân khiến gan nhiễm mỡ.
Không ít trường hợp gan nhiễm mỡ độ ba xảy ra do chịu tác động từ các vấn đề sức khỏe khác như tiểu đường, máu nhiễm mỡ, huyết áp cao, hội chứng đa nang buồng trứng, rối loạn tuyến yên... Những bệnh lý này khiến gan rối loạn chức năng, dẫn tới tiến triển gan nhiễm mỡ cấp độ cao nhất.
Biểu hiện của bệnh gan nhiễm mỡ giai đoạn đầu thường không rõ ràng, khó phát hiện. Tâm lý chủ quan, không thăm khám sức khỏe thường xuyên cũng khiến bệnh tiến triển đến giai đoạn sau. Bệnh chuyển biến nặng hoặc biến chứng có các triệu chứng như chán ăn, đau, khó chịu ở bụng trên bên phải, ngứa da, vàng mắt, vàng da, nước tiểu đậm màu, phù chân...
Gan nhiễm mỡ độ ba là giai đoạn nặng, nếu không được kiểm soát, cải thiện có nguy cơ biến chứng thành viêm gan, xơ gan hoặc ung thư gan, diễn tiến thành ung thư gan. Ba bạn bị gan nhiễm mỡ độ ba cần được chăm sóc và điều trị kịp thời để kiểm soát triệu chứng, ngăn chặn biến chứng. Người bệnh cần dùng thuốc hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ và các bệnh đồng mắc theo chỉ định của bác sĩ.
Song song đó, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng, vận động, làm việc và nghỉ ngơi khoa học như không uống rượu bia, kiểm soát tốt các bệnh lý khác (nếu có). Giảm cân nếu thừa cân, nghỉ ngơi hợp lý, tránh thức khuya. Tăng cường chất xơ từ rau xanh, trái cây tươi, thực phẩm giàu omega-3. Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, cholesterol, tinh bột, đường hoặc muối. Tập thể dục đều đặn mỗi ngày.
ThS.BS.CKI Đoàn Hoàng Long
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |