Tôi không uống rượu bia sao lại mắc bệnh gan nhiễm mỡ và có điều trị khỏi không? (Thái An, TP HCM)
Trả lời:
Gan nhiễm mỡ là tình trạng lượng mỡ chiếm hơn 5% trọng lượng của lá gan. Tùy thuộc vào lượng mỡ tồn tại trong gan mà phân thành ba mức độ gồm gan nhiễm mỡ độ một (mức độ nhẹ), gan nhiễm mỡ độ hai (mức độ vừa), gan nhiễm mỡ độ ba (mức độ nặng). Gan nhiễm mỡ xảy ra do ba nhóm nguyên nhân chính gồm rượu bia, chuyển hóa và những nguyên nhân khác như sử dụng lâu dài một số loại thuốc kháng viêm corticosteroid, thuốc điều trị ung thư và viêm khớp dạng thấp, nuôi ăn tĩnh mạch hoàn toàn, nhịn ăn kéo dài, hội chứng Cushing...
Rượu bia là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ. Chất cồn làm tăng tổng hợp axit béo tại gan, huy động mỡ ở các mô ngoại biên, tạo thành các axit béo tự do lưu thông trong máu đến gan nên tăng tích lũy triglyceride tại gan. Chất cồn trong rượu bia còn làm gián đoạn quá trình liên kết triglyceride và protein tại gan, từ đó, làm giảm bài xuất triglyceride ra khỏi gan, góp phần gây mỡ hóa tế bào gan.
Số người bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu bia đang gia tăng. Tình trạng này có liên quan đến các bệnh lý rối loạn chuyển hóa (thừa cân, béo phì, tiểu đường, tăng lipid máu) do ảnh hưởng của lối sống, thói quen ăn uống và vận động. Người tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, chất béo, chất bột đường, lối sống ít vận động có nguy cơ tích tụ dư thừa mỡ trong gan. Một nghiên cứu năm 2012 đăng trên tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ cho thấy 16 người ăn hơn 1.000 calo thực phẩm có đường so với nhu cầu hàng ngày, mặc dù chỉ tăng 2% trọng lượng cơ thể trong ba tuần nhưng lượng mỡ trong gan tăng lên 27%.
Gan nhiễm mỡ nguy hiểm do triển âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng nên rất khó nhận biết. Bệnh thường được phát hiện khi thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc chuyển biến nặng. Tuy nhiên, một số triệu chứng ban đầu mơ hồ có thể gặp như mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, đau tức vùng bụng trên bên phải. Ở mức độ nặng, gan nhiễm mỡ có thể gây ra triệu chứng vàng da, vàng mắt, phù chân, nôn ra máu...
Cho đến nay, y học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu tác dụng của một số loại thuốc nhằm cải thiện tình trạng mô học, xơ hóa cho bệnh gan nhiễm mỡ. Thay đổi lối sống, thực hiện chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh, không rượu bia, duy trì vận động và kiểm soát tốt các bệnh lý khác (nếu có). Đây là những biện pháp quan trọng, đóng vai trò nền tảng trong điều trị và phòng ngừa gan nhiễm mỡ, giúp giảm ảnh hưởng của các triệu chứng và ngăn không cho bệnh tiến triển nặng.
Bạn bị gan nhiễm mỡ ở mức độ nhẹ, chưa ảnh hưởng nhiều đến chức năng gan. Tuy nhiên, nếu không điều chỉnh kịp thời, bệnh lý này có thể phát triển thành viêm gan, xơ gan, ung thư gan. Người bệnh gan nhiễm mỡ giai đoạn một cần chú ý điều chỉnh lối sống lành mạnh; thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng; tăng cường chất xơ, protein tốt (ưu tiên nguồn protein từ thực vật); hạn chế đồ chiên rán; giảm đường, tinh bột, thức ăn nhanh và rượu bia.
Thường xuyên tập thể thao với cường độ thích hợp giúp kiểm soát và duy trì cân nặng phù hợp. Mọi người nên khám sức khỏe định kỳ, tiêm ngừa vaccine, uống thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ nếu mắc các bệnh lý khác. Người bệnh có thể thăm khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được tư vấn, lên kế hoạch theo dõi. Bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc đã được nghiên cứu giúp giảm quá trình viêm, cải thiện tình trạng mô học và xơ hóa trên bệnh gan nhiễm mỡ.
Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Minh Thùy
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh