Em bé nặng 2,8 kg ra đời ở tuần thai 36 bằng phương pháp sinh mổ (ngày 24/8). Quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi, hiện tại hai mẹ con khỏe mạnh, xuất viện về nhà.
ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê - bác sĩ cao cấp Trung tâm Sản phụ khoa BVĐK Tâm Anh Hà Nội, người trực tiếp mổ sinh, giải thích: "Đẻ bọc điều, tức em bé sinh ra cùng túi ối nguyên vẹn, rất hy hữu, chỉ chiếm tỷ lệ 1/80.000 ca sinh nở, đặc biệt là với trường hợp không phải sinh đôi, sinh ba như lần này".
Bác sĩ Hiền Lê cho biết, tỷ lệ đẻ bọc điều nhiều hơn ở ca sinh mổ, hiếm gặp khi sinh thường. Khi sinh mổ, để đưa thai nhi ra ngoài, bác sĩ thường rạch túi ối, chuyên gia cũng có thể chọn cách đưa cả em bé còn nguyên trong túi ối ra nếu điều kiện cho phép.
Thông thường thai nhi nằm trong bụng mẹ thường bao bọc bởi màng ối, bên trong chứa dịch ối. Bọc điều chính là phần bọc ối (gồm màng ối và màng đệm) là môi trường sống của thai nhi. Bọc ối tuy mỏng nhưng cũng rất dẻo, dai, vì vậy nó có thể co giãn khi thai nhi lớn lên, nước ối nhiều hơn. Theo quy luật thông thường, khi em bé được sinh ra túi ối cũng vỡ. Nhưng các trường hợp đẻ "bọc điều" là do túi ối dày và dai hơn bình thường, trẻ sinh non hoặc sản phụ có tử cung giãn và mềm, ca sinh đa thai.
Dù có thâm niên trong ngành sản khoa nhưng bác sĩ Hiền Lê cho biết số lần bác sĩ trực tiếp chứng kiến đẻ bọc điều đếm trên đầu ngón tay. Những trường hợp bác sĩ thường gặp trước đây là sản phụ đa thai hoặc các ca sinh non.
"Theo quan niệm dân gian, bé chào đời nằm trong túi ối như một 'quả cầu nước' là hiện tượng lạ mang lại niềm may mắn cho em bé, gia đình. Để chứng kiến hiện tượng này thì phải có yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Khi đủ điều kiện, bác sĩ sẽ dùng kỹ thuật đỡ em bé trong bọc ối lách ra buồng tử cung, đưa em bé ra ngoài nhẹ nhàng", bác sĩ Hiền Lê cho biết thêm.
Với bác sĩ có tay nghề cao thì việc đưa một em bé nguyên túi ối ra ngoài không có gì khó khăn. Khi bé ra ngoài, bác sĩ sẽ làm vỡ bọc ối, không gây nguy hiểm cho trẻ.
Thanh Ba