Nếu bạn đang cố gắng kiểm soát bệnh tiểu đường thì cần phải theo dõi lượng đường trong máu. Song, nhiều người bệnh tiểu đường thường gặp vấn đề là đường huyết tăng vọt sau bữa ăn.
Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) khuyến cáo, bạn nên kiểm tra lượng đường trong máu trước bữa ăn va sau ăn khoảng 1-2 giờ. Bạn nên ghi chú lại thời gian và chỉ số đường huyết, các yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức đường huyết như khẩu phần, lượng chất bột đường.
ADA khuyên người bệnh tiểu đường nên giữ mức đường huyết trước bữa ăn 80-130 mg/dL và sau bữa ăn 1-2 giờ là dưới 180 mg/dl. Thông thường, lượng đường trong máu bắt đầu tăng 10-15 phút sau bữa ăn và đạt đỉnh điểm sau một giờ. Đường huyết thường được coi là cao nếu nó hơn 130 mg/dL trước bữa ăn hoặc hơn 180 mg/dL sau ăn 2 giờ.
Khi lượng đường trong máu cao, bạn có thể cảm thấy có sương mù khiến khó tập trung, khó suy nghĩ rõ ràng. Năng lượng giảm nên có thể làm bạn lo lắng, ủ rũ. Nếu mức đường huyết xuống quá thấp thậm chí có thể gây ngất xỉu. Về lâu dài, bạn có thể có nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, bệnh thận hoặc các vấn đề khác.
Người bệnh tiểu đường nên xem những gì đã ăn và uống thuốc. Những loại có tác dụng nhanh và trong thời gian ngắn là lựa chọn tốt hơn những loại có tác dụng chậm. Bác sĩ có thể giải thích cho bạn loại phù hợp.
Cách quản lý đường huyết tăng đột biến sau bữa ăn
Để kiểm soát lượng đường trong máu hạn chế tăng vọt sau bữa ăn, dưới đây là một số gợi ý.
Chọn loại carbohydrate lành mạnh
Carbs có ảnh hưởng lớn nhất đến lượng đường trong máu bởi vì carbs được phân hủy nhanh nhất thành glucose để tạo năng lượng. Có quá nhiều carbs hoặc dùng không đúng loại carbs có thể dẫn đến lượng đường trong máu tăng đột biến. Cách tốt nhất để tìm ra carbs ảnh hưởng đến đường huyết là kiểm tra trước và sau bữa ăn.
Chọn các loại carbs phức hợp, lành mạnh như trái cây và rau, ngũ cốc nguyên hạt, đậu lăng. Bởi vì chúng chứa chất xơ và ít được chế biến. Những thực phẩm này không dẫn đến sự thay đổi nhiều về lượng đường trong máu.
Tránh xa các loại tinh bột tinh chế như soda, kẹo, mì ống trắng, gạo trắng, bánh mì trắng và các loại thực phẩm chế biến sẵn khác vì có thể khiến lượng đường trong máu tăng nhanh chóng. Lập kế hoạch trước cho các bữa ăn cân bằng và lành mạnh là điều cơ bản để quản lý bệnh tiểu đường.
Cân bằng các nhóm chất
Để đảm bảo bữa ăn của người tiểu đường được cân bằng tốt, ADA gợi ý cách cách lấp đầy đĩa thức ăn:
Một nửa đĩa: rau không chứa tinh bột, chẳng hạn như rau bina, cà rốt, cà chua hoặc rau xanh.
Một phần tư đĩa: ngũ cốc và thực phẩm giàu tinh bột, chẳng hạn như mì nguyên hạt, cơm hoặc khoai tây
Một phần tư đĩa: protein nạc, chẳng hạn như thịt bò, cá, gà hoặc đậu phụ
Thêm một ly sữa ít béo 240 ml và một miếng trái cây hoặc nửa cốc salad trái cây.
Ngay cả khi bạn ăn đúng loại thực phẩm, ăn quá nhiều có thể khiến đường huyết tăng lên. Do đó, bạn nên ăn với lượng phù hợp.
Ăn nhiều chất xơ hơn
Chất xơ là một loại carbohydrate đặc biệt không bị cơ thể phân hủy nên không ảnh hưởng đến lượng đường huyết. Nó cũng thúc đẩy sức khỏe tiêu hóa và giúp bạn cảm thấy no lâu hơn sau bữa ăn.
ADA và các tổ chức khác khuyến cáo, người bình thường nên ăn 20-35 gram chất xơ mỗi ngày. Một trong những cách tốt nhất để đạt được mục tiêu là ăn nhiều ngũ cốc, đậu, rau và trái cây nguyên vỏ.
Uống nhiều nước
Theo ADA, nước và trà không đường là những lựa chọn tốt. Soda ăn kiêng không phải sự thay thế lành mạnh cho các loại nước ngọt có đường. Uống trước bữa ăn có thể khiến bạn cảm thấy no hơn và giúp tránh ăn quá nhiều.
Uống ít rượu
Người mắc bệnh tiểu đường không cần tuyệt đối kiêng rượu nhưng nó có thể khiến lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết) trong 24 giờ sau khi uống. Rượu làm cho lượng đường trong máu giảm xuống, có thể gây ra cảm giác thèm đường và khiến bạn ăn quá nhiều đường.
ADA khuyến nghị, kiểm tra lượng đường trong máu trước khi uống rượu và một lần nữa trước khi đi ngủ. Nếu mức quá thấp, hãy ăn thứ gì đó để nâng mức đường lên. Người bệnh tiểu đường không nên uống rượu khi bụng đói.
Dùng thuốc đúng lúc
Lượng đường trong máu bị ảnh hưởng khi ăn các bữa ăn chính và đồ ăn nhẹ. Định thời gian dùng thuốc và insulin cũng rất quan trọng. Theo ADA, insulin thông thường hoạt động tốt nếu bạn dùng nó trước khi ăn 30 phút.
Kim Uyên
(Theo Webmd, Everydayhealth)