Thực tế, rất nhiều thông tin từ các nhà nghiên cứu, bác sĩ cảnh báo những tác hại khôn lường của việc cho trẻ em tiếp xúc quá nhiều với thiết bị điện tử (điện thoại, ti vi, máy tính...). Tuy nhiên, tình trạng này không thuyên giảm, thậm chí có xu hướng gia tăng.
Một nghiên cứu tại Đại học Calgary (Mỹ) phân tích mối nguy hiểm về vấn đề sử dụng các thiết bị điện tử ở trẻ em. Theo các cuộc phân tích, các chuyên gia nhận định trẻ em dưới 2 tuổi là đối tượng xem TV nhiều nhất với 25% thời gian mỗi ngày. Trong khi đó, trẻ em từ 2-5 tuổi lại chuộng các thiết bị điện tử như máy tính bảng và điện thoại di động nhiều hơn. Kết quả cho thấy thời gian sử dụng thiết bị điện tử hơn 2 đến 3 giờ mỗi ngày có thể liên quan đến chứng béo phì.
Nguy hiểm hơn, các em nhỏ có độ tuổi trung bình khoảng 6-8 tuổi có nhiều khả năng mắc các vấn đề về hành vi như cáu kỉnh, dễ tăng động và kém chú ý, trong khi những trẻ lớn hơn có thể mắc các triệu chứng trầm cảm, lo lắng và kém tập trung. Tỷ lệ xuất hiện những triệu chứng này tăng lên theo thời gian và đặc biệt cao ở những trẻ em dành từ 9 giờ trở lên để sử dụng các thiết bị điện tử.
Chứng rối loạn tăng động giảm chú ý là một trong những rối loạn tâm thần hay gặp nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Dù không quá nguy hiểm nhưng tăng động giảm chú ý nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi và chất lượng cuộc sống của trẻ. Do đó, Viện Hàn lâm nhi khoa Mỹ khuyến cáo cha mẹ nên cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi dưới 2 tuổi tránh sử dụng điện thoại thông minh hoặc xem TV. Trong khi đó, trẻ em 2-5 tuổi chỉ nên giới hạn không quá một giờ mỗi ngày với các chương trình truyền hình. Đặc biệt, lứa tuổi mẫu giáo này cần có sự hướng dẫn từ cha mẹ để sử dụng các thiết bị điện tử một cách phù hợp, ttránh để trẻ tự ý sử dụng các thiết bị này trong suốt một thời gian dài.
Trẻ em luôn có xu hướng quan sát hành động của mọi người xung quanh và bắt chước theo. Vì vậy, các phụ huynh nên giới hạn thời gian sử dụng điện thoại khi ở bên con và thay bằng các thói quen bổ ích như đọc sách, kể chuyện, chơi đùa cùng bé.
Đối với các bé đã quen với việc dùng điện thoại di động và xem TV, việc buộc bé dừng hẳn các thói quen là rất khó. Để quản lý thời gian sử dụng các thiết bị điện tử ở trẻ, cha mẹ có thể quy định khoảng thời gian không sử dụng chúng trong ngày. Việc đặt ra các quy tắc này sẽ giúp cho việc quản lý thời gian sử dụng các thiết bị điện tử thành một thói quen tốt cho trẻ.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ hãy ưu tiên sắp xếp cho trẻ thật nhiều cơ hội để tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Những trò chơi thực tế sẽ giúp bé thoả sức sáng tạo, có thêm nhiều bạn mới.
Huyền My (Theo ABC News, Scientific American)