Chị Hoài có khối u lành tính 10 năm trước, gần đây xuất hiện thêm u mới kích cỡ bằng ngón tay, phẫu thuật cắt u tại một phòng khám. Một tuần sau, chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám, bác sĩ Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ, chẩn đoán chị Hoài mắc ung thư vú giai đoạn một, chỉ định phẫu thuật cắt tuyến vú để loại bỏ ung thư, tái tạo ngực bằng vạt cơ thẳng bụng để giúp ngực mềm mại.
Êkíp bác sĩ khoa Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ tiêm chất màu xanh vào quầng nhũ hoa, sau đó rạch da gần nách phải, lấy hạch bắt màu xanh và mô sau nhũ hoa gửi sinh thiết. Trong thời gian đó, êkíp tiếp tục cắt tuyến vú phải, bóc tách lấy vạt da cơ thẳng bụng bên phải. Bác sĩ tạo đường hầm từ vùng bụng đến ngực phải, luồn vạt da cơ và mỡ bụng lên thành ngực.
Kết quả giải phẫu bệnh ngay tức thì cho thấy hạch gác cửa và mô sau nhũ hoa không có tế bào ác tính. Êkíp mổ quyết định chỉ cắt bỏ tuyến vú bên trong, giữ lại toàn bộ da và nhũ hoa, thực hiện tái tạo tuyến vú bằng vạt da cơ thẳng bụng. Hậu phẫu, chị Hoài được lấy sạch tế bào ung thư và ngực được tái tạo đầy đặn.
Theo bác sĩ Tấn, chẩn đoán một khối u vú lành tính hay ác tính phải đủ bộ ba khám lâm sàng, hình ảnh học (siêu âm, nhũ ảnh...) và giải phẫu bệnh (sinh thiết). Nếu chỉ dựa vào khám và siêu âm khó phát hiện được những ung thư biểu hiện ở dạng vi vôi hoặc dạng không tạo khối, dễ bỏ sót khối ung thư.
Tùy vào u lành hay ác tính, bác sĩ có phương hướng điều trị, kỹ thuật mổ khác nhau. Người có u lành tính không triệu chứng đau, kích thước nhỏ, có thể không cần điều trị, trường hợp cần phẫu thuật, bác sĩ chỉ cắt u. Tất cả u ác tính dù kích thước nào đều cần điều trị. Tùy vào kích thước u, giai đoạn bệnh, bác sĩ cắt u và vùng mô lành tính xung quanh 1-2 cm hoặc cắt toàn bộ tuyến vú.
Điều trị ung thư vú không chỉ dừng lại ở cắt u hay tuyến vú, mà còn đảm bảo thẩm mỹ cho phụ nữ. Tái tạo ngực phải vừa đạt yêu cầu an toàn ung thư vừa đạt thẩm mỹ và không cản trở cho điều trị hỗ trợ (hóa trị, xạ trị...), theo dõi sau đó.
Hiện có hai kỹ thuật chính để tái tạo ngực là tái tạo bằng túi ngực và tái tạo bằng mô tự thân (vạt da cơ thẳng bụng, vạt da cơ lưng rộng...). Một số trường hợp có thể kết hợp cả hai. Tái tạo ngực bằng vạt da cơ thẳng bụng khó hơn, cần phẫu thuật viên có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn cao.
Người bệnh ung thư vú phát hiện giai đoạn sớm có cơ hội điều trị khỏi và tái tạo ngực. Bác sĩ Bá Tấn khuyến cáo phụ nữ từ 40 tuổi nên khám tầm soát ung thư vú hàng năm. Phụ nữ thuộc nhóm có nguy cơ ung thư vú cao (tiền sử gia đình, đột biến gen BRCA...) nên khám ở tuổi sớm hơn (trước 40 tuổi). Trong gia đình có mẹ bị ung thư vú, con gái nên đi tầm soát ung thư sớm trước 10 tuổi so với độ tuổi mẹ phát hiện ung thư.
Nguyễn Trăm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |