Theo nghiên cứu được công bố tại Tuần lễ Bệnh tiêu hóa 2022 (Mỹ), những người lớn tuổi thường xuyên dùng kháng sinh có nguy cơ mắc bệnh viêm ruột (IBD) cao. Tiến sĩ Adam Faye (trường Y khoa Grossman, Đại học New York Mỹ) tìm thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng kháng sinh và khởi phát bệnh viêm ruột ở thanh niên. Ông cũng xem xét mối liên hệ giữa các loại thuốc này như thời điểm dùng, tác động của nó với bệnh viêm ruột ở người lớn tuổi.
Nghiên cứu lấy dữ liệu từ Sổ đăng ký kê đơn quốc gia (Đan Mạch) từ năm 2000-2018 với 2,3 triệu người từ 60 tuổi trở lên được kê đơn kháng sinh. Trong đó, có hơn 10.700 trường hợp mắc viêm loét đại tràng, 3.800 trường hợp mắc bệnh viêm ruột Crohn.
Số ca mắc bệnh viêm ruột khi sử dụng kháng sinh khoảng 1-2 năm trước khi chẩn đoán bệnh có tỷ lệ cao nhất, xếp sau là từ 2-5 năm. Mối quan hệ này được tìm thấy ở nhiều loại kháng sinh, trừ nitrofurantoin (thường dùng cho bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu).
Với bệnh khởi phát, bệnh nhân ít nguy cơ di truyền. Môi trường sống bao gồm việc sử dụng kháng sinh có tác động đến nguy cơ mắc viêm ruột.
Nhiều loại kháng sinh có tác động đến hệ vi sinh đường ruột, ngay cả khi được sử dụng để điều trị các bệnh không liên quan đến hệ tiêu hóa. Trong tương lai, theo tiến sĩ Adam Faye, nếu xác định được sự thay đổi của hệ vi sinh vật kích hoạt bệnh viêm ruột khởi phát ở người lớn tuổi thì có thể bổ sung lợi khuẩn hoặc các liệu pháp khác để khôi phục lại sự cân bằng ở đường ruột.
Sử dụng kháng sinh đúng cách
Dưới đây là một số cách hướng dẫn dùng kháng sinh đúng cách theo tờ Every Health (Mỹ).
Không lạm dụng thuốc: Kháng sinh là một nhóm thuốc kê đơn dùng để điều trị bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Vì vậy, không sử dụng thuốc đối với những bệnh phổ biến như cảm lạnh, cảm cúm, viêm đường hô hấp. Việc lạm dụng thuốc sẽ gây nhiều tác dụng phụ như tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường ruột, tổn thương gan, thận, sốc phản vệ...
Không tự ý kết thúc liệu trình: Trừ khi bác sĩ yêu cầu, bạn nên đảm bảo uống hết kháng sinh đã được kê đơn, ngay cả khi cảm thấy khỏe hơn. Nếu bạn không kết thúc toàn bộ liệu trình, tình trạng nhiễm trùng vẫn có thể quay trở lại, bệnh có khả năng nặng và khó điều trị hơn.
Không dùng lại đơn thuốc cũ: không tự ý mua kháng sinh khi không có đơn kê của bác sĩ. Việc dùng lại đơn thuốc cũ có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc tăng.
Khi đã bị viêm ruột, điều trị bệnh cần tập trung vào kiểm soát tình trạng viêm, thường phải dùng thuốc. Tuy nhiên, vẫn có nghiên cứu cho thấy vai trò của chế độ ăn uống góp phần làm thuyên giảm bệnh.
Thực phẩm dành cho người mắc bệnh viêm ruột
Các loại thực phẩm dễ tiêu hóa thường có thể giúp giảm viêm và thúc đẩy hệ vi sinh vật, cung cấp chất dinh dưỡng như:
Sinh tố và súp xay nhuyễn: Khi bị viêm ruột, bạn sẽ có cảm giác chán ăn. Cách để nạp dưỡng chất chính là thay đổi cấu trúc của thực phẩm. Việc này cũng giúp cơ thể hấp thụ được nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ hơn để nuôi hệ vi sinh vật đường ruột. Sinh tố và súp xay nhuyễn có thể giảm thiểu hoạt động cơ học của đường ruột và cung cấp đủ nước.
Thực phẩm giàu omega-3: Các loại cá giàu axit béo omega-3 như cá hồi, cá thu, cá trích, hạt chia xay, hạt lanh xay và hạt gai dầu có vỏ dễ tiêu hóa, chứa omega-3 giúp giảm viêm trong cơ thể.
Thực phẩm lên men: Sữa chua, men kefir, trà lên men kombucha và tương miso chứa nhiều lợi khuẩn probiotics. Bạn nên dùng nhiều thực phẩm chứa lợi khuẩn để thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột và góp phần giảm viêm.
Trái cây chín, gọt vỏ: Các loại trái cây chín, mềm như chuối, bơ, dưa hấu, đào gọt vỏ dễ tiêu hóa là nguồn cung cấp chất xơ hòa tan. Chất xơ hòa tan có lợi cho những người bị bệnh viêm ruột vì nó hấp thụ nước, tạo thành gel trong đường tiêu hóa.
Huỳnh Long
(Theo Everyday Health)