Lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh bạo lực lại là lần nó xảy ra với chính tôi. Khi tôi đang viết dở mấy dòng thơ trên trang vở bài tập Toán thì chợt nhận ra mẹ đang đến gần. Mẹ từ trước đến giờ luôn nghĩ viết thơ là một thứ vô bổ, và mẹ càng nghĩ vậy khi đẻ ra một đứa con gái lớn lên muốn làm nhà thơ như tôi. Mẹ chứng kiến tôi ngày đêm viết thơ ngay từ hồi mới biết học Văn, và đến ngày hôm nay thì mẹ không chịu được nữa.
Mẹ lăm lăm ngọn roi tre trong tay, ngay lập tức, một cú đánh như trời giáng đáp ngay trên đỉnh đầu tôi. Ngạc nhiên thay, tôi chẳng thấy đau mấy, có lẽ vì tiếng ngọn roi của mẹ kêu to đến nỗi át cả nỗi đau thể xác. Nửa tiếng sau, tiếng roi của mẹ vẫn còn văng vẳng trong đầu tôi như tiếng ruồi đang bay lởn vởn.
Lớn lên chút nữa, tôi mới hiểu mẹ đánh mình để dạy con nên người. Mẹ đánh để tôi ngừng viết thơ, và tập trung bài vở trên lớp nhiều hơn, và để tôi trở thành một học sinh ngoan, một đứa con gái biết điều. Cách mẹ yêu tôi là như vậy. Mẹ càng yêu nhiều, thì mẹ càng đánh đau.
Quả thật, sau mỗi ngọn roi, tôi lại học được một bài học mới. Ăn roi sau một ngày đi chơi lêu lổng khiến tôi chăm học hơn, có ý thức hơn. Bị vụt roi sau khi quên không chào khách đến nhà khiến bây giờ tôi chào người lạ như nhân viên công ty chào hàng cho khách. Và bị đánh vì viết thơ thay vì viết bài cũng khiến tôi tập trung học hơn vào công việc. Thế nên, tôi hiểu, càng ăn roi thì tôi càng trưởng thành hơn.
Nhưng, có một điều có lẽ mẹ không bao giờ biết, mẹ có thể khiến tôi viết thơ ít đi, nhưng roi mẹ vọt đã biến tôi thành một bài thơ luôn rồi. Như mỗi bài thơ của nhà thơ Sylvia Plath chứa đầy những ý nghĩ tăm tối của bà trước khi bà tự vẫn, những ngọn roi của mẹ giờ đã biến tôi thành một cái thùng chứa đầy vết thương ngầm. Tôi cứ thế lớn lên trong sợ hãi.
Vì tôi yêu mẹ đến nỗi coi mẹ là cả thế giới, nên tôi sợ mẹ cũng đồng nghĩa sợ cả thế giới. Giờ đây, tôi vẫn học, học nhiều lắm, mặc dù tôi đã đủ lớn để mẹ không còn đánh nữa, nhưng tôi vẫn sợ rằng nếu học ít đi thì cả thế giới sẽ coi tôi là kẻ lười nhác. Tôi không nhớ từ khi nào tôi đã biến bản thân thành một từ vựng để rồi định nghĩa chính mình bằng những thành tích học tập. Tôi học thay cho cả việc ăn, việc ngủ.
>> Ám ảnh đòn roi của mẹ vì không được điểm 9
Buồn cười là giờ đây mẹ đã khác đi rất nhiều, mẹ đã bắt đầu khuyên tôi học ít đi và quan tâm đến sức khỏe bản thân nhiều hơn. Nhưng bài học từ ngọn roi mà mẹ đã cho tôi trước kia quá lớn, lớn hơn cả những lời mẹ nói bây giờ. Làm sao tôi có thể nghe được những lời khuyên của mẹ khi bản thân vẫn còn nỗi sợ ăn roi? Như thể những ngọn roi đầu tiên đã làm tôi ngừng lớn. Một đứa con gái mười bảy tuổi mà vẫn như đứa con bảy tuổi bé bỏng của mẹ, vẫn sợ ăn roi như ngày nào.
Nếu như đánh là cách mẹ yêu tôi, thì bị đánh cũng là cách tôi yêu mẹ. Tôi ngừng viết thơ vì mẹ, học ngày học đêm vì mẹ. Những ngọn roi của mẹ đã dạy tôi bày tỏ tình yêu của mình theo cách đó. Nhưng cách tôi yêu mẹ thật hèn mọn quá, vì cả đời này tôi chẳng thể nói được câu: "Con yêu mẹ" bằng lời. Tôi biết mẹ thèm nghe câu đó đến nhường nào, nhưng tôi không thể thốt lên ba từ thiêng liêng ấy, bởi chưa ngọn roi nào của mẹ dạy tôi nói điều đó cả. Nếu giờ mẹ có thể nhặt lên ngọn roi từ thuở nào và quật vào lưng tôi để dạy nói ba từ ấy, thì biết đâu tôi có thể làm được.
Thực ra, bây giờ, tôi đang bắt đầu làm thơ trở lại. Bác sĩ tâm lý mà tôi đang điều trị suốt một năm qua đã dạy tôi rằng, những ngọn roi mẹ tặng tôi hồi bé đã cho tôi những cảm xúc tăm tối, và đến tận bây giờ tôi vẫn chưa quên được chúng. Tôi chỉ có thể cố quên chúng đi bằng cách cầm bút lên mà biến chúng thành thơ. Những nỗi đau, nỗi lòng từ đòn roi của mẹ, tôi gói gọn chúng vào những khổ thơ ngay ngắn trên trang sổ tay - nom đẹp vậy mà mỗi lần đọc lên, tôi đều cảm thấy mình như đang hét.
Nhưng tôi sợ rằng, nếu mình quên đi nỗi đau từ đòn roi của mẹ, tôi sẽ quên luôn cả mẹ. Tôi đã quá quen thuộc với hình ảnh mẹ với ngọn roi trên tay, nên giờ nếu quên đi chúng, tôi sẽ chẳng còn gì về mẹ để mà nhớ. Sự thật là khi những vết thương từ roi đang dần lành qua thời gian và từng câu thơ, tôi lại càng coi mẹ là người lạ. Tôi ít nói chuyện với mẹ hơn, vì từ trước đến nay mẹ và tôi giao tiếp với nhau toàn với tư cách người cho roi và người ăn roi. Giờ tôi không còn là người ăn roi và mẹ không còn là người cho roi nữa, tôi chẳng còn biết mẹ con ta là gì của nhau nữa?
Dạo này, tôi nhớ mẹ lắm. Nhớ những lời nói mật ngọt mà tôi và mẹ chưa bao giờ có thể nói với nhau. Nhớ những chuyến đi du lịch mà mẹ con nhà nào cũng đi với nhau, chỉ có mẹ và tôi là không dám. Nhớ một tình thương mẫu tử chưa bao giờ tồn tại trong căn nhà mình. Nhiều đêm, tôi thậm chí còn nhớ cảm giác bị ăn roi, vì ít nhất nó khiến em cảm thấy gần gũi với mẹ hơn. Càng nhớ mẹ, tôi càng viết thơ về mẹ, để rồi nỗi nhớ càng thêm sâu. Chắc mẹ cũng không đoán được những câu thơ mà chính mẹ từng ghét bỏ ngay từ hồi tôi còn bé, giờ lại là thứ duy nhất khiến tôi nhớ về mẹ.
Những ngọn roi đã khiến ta trở thành như thế đấy. Nhưng tôi không giận mẹ đâu. Tôi đã đi trị liệu tâm lý đủ lâu để hiểu rằng, khi mẹ đánh tôi thì mẹ cũng là người chịu đau, thậm chí mẹ còn thấy đau hơn. Mẹ đau vì một phần của mẹ bị mất đi – bao nhiêu sự nhẹ nhàng của một người phụ nữ trong mẹ biến hết đi mất trong bạo lực của từng ngọn roi mẹ giáng xuống. Tôi biết vậy vì môn học Lịch sử ở trường đã dạy cho tôi như thế.
Ở trường, tôi được cô giáo Lịch sử dạy rằng, hồi chiến tranh, đàn ông đi đánh giặc, còn đàn bà ở nhà. Tôi luôn hỏi tại sao lại như vậy, và mọi người đều bảo rằng, vì đàn bà yếu đuối hơn đàn ông. Điều đó khiến tôi bối rối nhiều, vì tôi chẳng thấy hình ảnh "đàn bà" đó trong mẹ mỗi khi bà cầm roi như thể chiến sĩ chuẩn bị ra trận. Tôi chẳng thể tưởng tượng nổi một ai đấy có thể chỉ tay vào mẹ và chỉ ra sự nhẹ nhàng trong đó.
Tôi cũng chẳng hiểu nổi chiến tranh nữa, vì cô giáo dạy rằng, bạo lực tồn tại trong chiến tranh. Để rồi khi về nhà với mẹ, tôi bất giác nhận ra rằng bạo lực với mình không tồn tại trong chiến tranh, mà tồn tại ngay trong căn nhà này.
Tôi cũng chẳng muốn mẹ bị giam cầm trong hình ảnh "đàn bà" đó đâu, vì đó là một hình ảnh đã khiến phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Nhưng tôi biết rằng, để mẹ vượt qua hình ảnh đó và bao định kiến khác mà xã hội gán cho phụ nữ, mẹ đã phải "hy sinh" nhiều đến nỗi chịu đau mà cầm roi lên giáng vào đứa con gái bé bỏng duy nhất. Nỗi đau mẹ "phải chịu" khi đánh người mình thương nhất, có phải là thứ mẹ phải vượt qua để có thể thách thức cả một lịch sử đã cho rằng bạo lực không phải nơi cho phụ nữ? Nếu vậy thì hẳn mẹ phải là một "anh hùng".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.