Gần 12 giờ sau ca phẫu thuật nội soi hạ tinh hoàn, bé Ngô Việt Phương (4 tuổi, ngụ Đắk Lắk) hồi phục hoàn toàn. Em ăn uống, sinh hoạt bình thường, xuất viện ngay trong ngày.
Việt Phương được phát hiện tinh hoàn ẩn từ lúc mới sinh nhưng vì nhiều lý do khách quan nên bé chưa phẫu thuật. Khi Phương tròn 4 tuổi, phụ huynh đưa bé đến BVĐK Tâm Anh TP HCM điều trị, tránh biến chứng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này.
Trực tiếp thăm khám cho bé, BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, Ngoại tim mạch - Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chia sẻ êkip khám, siêu âm, xác định tinh hoàn trái của bé ẩn trong ống bẹn và không thấy tinh hoàn phải. Do đó, bé được chỉ định nội soi ổ bụng để tìm vị trí tinh hoàn phải. Trong quá trình nội soi, bác sĩ phát hiện bộ phận đi lạc trong ổ bụng, sát lỗ bẹn sâu. Êkíp bác sĩ ngoại nhi tiến hành hội chẩn phẫu thuật, bảo tồn khả năng sinh sản, phòng tránh những biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhi.

Êkíp bác sĩ tiến hành phẫu thuật hạ tinh hoàn cho bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Ca phẫu thuật nội soi diễn ra với phẫu thuật viên chính là BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng. Từ một vết mổ nhỏ ở vùng bẹn, bác sĩ đưa dụng cụ vào để tìm tinh hoàn trên ổ bụng, kéo xuống bìu. Ca mổ kết thúc thành công sau hơn 60 phút. Cả hai tinh hoàn được đưa về đúng vị trí. Bên cạnh đó, nhờ can thiệp bằng phương pháp nội soi, bệnh nhi không mất nhiều máu, ít đau, vết thương nhỏ, nhanh hồi phục.
Theo bác sĩ Trọng, bệnh lý nếu để lâu không điều trị sẽ khiến tinh hoàn thay đổi về mô học, tiềm ẩn nhiều nguy cơ như thoát vị bẹn, teo tinh hoàn, xoắn tinh hoàn, vô sinh, ung thư... Đây là bệnh lý phổ biến, xuất hiện ở khoảng 3% trẻ sinh đủ tháng, 30% trẻ sinh non. Ban đầu tinh hoàn hình thành, phát triển trong ổ bụng, cạnh thận. Trong quá trình thai nhi lớn dần trong bụng mẹ, chúng di chuyển từ vùng bẹn xuống dưới bìu. Tuy nhiên, ở một số bé trai, quá trình này không hoàn chỉnh, khiến cơ quan nằm dọc theo đường đi từ bẹn xuống bìu.
Thực tế, qua thăm khám và siêu âm, bác sĩ có thể chẩn đoán phát hiện tinh hoàn ẩn cho bé ngay sau sinh. Có trường hợp chúng di chuyển xuống bìu trong vòng vài tháng đầu đời. Phẫu thuật chỉ được khuyến cáo tiến hành trước khi trẻ tròn một tuổi, có thể sớm hơn (sau 6 tháng tuổi).

BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng kiểm tra sức khỏe cho bé Phương trước khi xuất viện. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Trước khi can thiệp ngoại khoa, trẻ cần được thăm khám kỹ để đánh giá tình trạng. Ở một vài bé trai, bộ phận có thể không phát triển (bị teo) trước khi sinh do gián đoạn máu nuôi.
Khả năng tái phát tinh hoàn ẩn có thể xảy ra. Khi đó, bệnh nhân cần phẫu thuật lại. Để giảm thiểu nguy cơ tái phát, bệnh nhi cần sinh hoạt nhẹ nhàng, tránh hoạt động quá mạnh như: chạy nhảy, chơi thể thao đối kháng hay những động tác tác động trực tiếp lên vùng bẹn, bìu. Khi vết mổ lành hẳn, tinh hoàn cố định, trẻ có thể sinh hoạt bình thường.
Sau phẫu thuật, bên cạnh việc tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về chế độ vận động, sinh hoạt, trẻ cần tái khám theo lịch hẹn ở chuyên khoa nhi. Điều này giúp bác sĩ theo dõi tinh hoàn có tiếp tục phát triển, hoạt động bình thường, giữ nguyên vị trí không. Nếu phát hiện bất thường, chuyên gia sẽ can thiệp sớm giúp bảo toàn chức năng sinh sản, phòng tránh biến chứng.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Hạ Vũ