Thông tin trên được các bác sĩ chia sẻ trong chương trình tư vấn trực tuyến "Dự phòng và điều trị dọa sinh non". Theo BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi (nguyên Phó giám đốc bệnh viện Từ Dũ, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM), việc dự phòng sớm và điều trị dọa sinh non có sự phối hợp liên chuyên khoa sản - sơ sinh - tim bẩm sinh - hồi sức cấp cứu cùng phác đồ "phút vàng sau sinh" đã giúp cứu sống nhiều trường hợp trẻ sinh non và cực non (từ tuần 27, 28, thậm chí 25 tuần tuổi).
Cứu sống trẻ sinh non
Bé Huỳnh Đoàn Minh Khuê sinh cực non ở tuần 25, chỉ nặng vỏn vẹn 740 gram và mắc cùng lúc nhiều bệnh như: bệnh màng trong - suy hô hấp ở trẻ sinh non, nhiễm trùng sơ sinh và còn ống động mạch vào tháng 4/2021. Bé phải trải qua hơn 3 tháng chăm sóc và điều trị ở phòng Hồi sức tích cực, Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện đa khoa Tâm Anh. Ngày 2/7, sau quãng thời gian được tập thể bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện chăm sóc, bé được xuất viện khỏe mạnh về nhà, với cân nặng 2,5 kg, sức khỏe hoàn toàn ổn định. Hiện tại, sau 8 tháng sinh non, bé gái bụ bẫm, khỏe mạnh, phát triển bình thường.

Bé Minh Khuê sinh non từ tuần 25, được các chuyên gia Sơ sinh nuôi dưỡng, phát triển khỏe mạnh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Dù được thông báo về khả năng sinh non ở tuần 28, tuy nhiên khi mới 25 tuần, chị Đoàn Thị Thanh Huyền (26 tuổi) đã bị rỉ ối. Thai phụ được chuyển viện đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Tại Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM, BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, TS.BS Cam Ngọc Phượng - Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, cùng các bác sĩ liên chuyên khoa đã túc trực đón bé chào đời. Ca sinh được chủ động phối hợp giữa bác sĩ sản khoa, bác sĩ sơ sinh, với đầy đủ các thiết bị hồi sức sơ sinh trong phút vàng, giờ vàng như giường sưởi ấm cho bé đặt sát giường sinh của mẹ, khăn bọc, túi nhựa giữ nhiệt, ống thở không xâm nhập, máy hạ thân nhiệt chủ động và nhiều máy móc dụng cụ chuyên dụng hiện đại khác...
"Đây là trường hợp trẻ sinh cực non ở tuần 25 được chào đời và nuôi sống thành công. Bé được hồi sức cấp cứu ngay trên bụng mẹ, điều trị dự phòng các nguy cơ ở trẻ sinh non, do đó, bé may mắn không gặp các biến chứng hay di chứng sơ sinh", bác sĩ Mỹ Nhi cho biết.

Bé Minh Khuê hiện 8 tháng tuổi, bụ bẫm, khỏe mạnh, phát triển bình thường. Ảnh: NVCC.
Theo bác sĩ Mỹ Nhi, bệnh viện đa khoa Tâm Anh có đầy đủ máy móc hiện đại, đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn để chăm sóc thai kỳ và hồi sức sơ sinh cho trẻ không may sinh non. Đặc biệt, sản khoa liên kết chặt chẽ với các chuyên khoa như Hồi sức cấp cứu, Sơ sinh, Chẩn đoán hình ảnh, Tim mạch, Nội tiết... có thể phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các biến chứng thai kỳ, tầm soát sớm dị tật thai nhi, dự phòng nguy cơ sinh non, chăm sóc trẻ trong những tình huống xấu. Đó chính là hậu phương vững chắc cho các bác sĩ sản khoa yên tâm đón các bé chào đời ngay cả khi ở các tuổi thai cực non.
Các nguy cơ sinh non
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, hàng năm có khoảng 15 triệu trẻ sinh non (sinh trước 37 tuần tuổi thai), chiếm khoảng 10% số trẻ sơ sinh được sinh ra và con số này vẫn đang có xu hướng gia tăng.
Theo BS.CKI Lê Thị Kim Ngân, Trưởng khoa Sản, Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, một thai kỳ được xem là khỏe mạnh khi sản phụ chuyển dạ sinh ở tuần thai 39-40. Những trường hợp trẻ sinh sau 22 tuần và trước 37 tuần được gọi là sinh non. Nguy cơ sức khoẻ đối với trẻ sinh non rất cao so với trẻ sinh đủ tháng.
Các yếu tố nguy cơ dẫn tới chuyển dạ sinh non có thể xuất phát từ mẹ: người mẹ mang đa thai, mắc bệnh mạn tính (như tăng huyết áp, đái tháo đường), bệnh nội tiết (như cường giáp, nhược giáp, suy giáp), tiền sản giật, dị dạng tử cung, từng nạo phá thai... cần lưu ý nguy cơ sinh non.
Một số trường hợp khác cũng có nguy cơ sinh non gồm: mẹ có tiền sử sinh non, cổ tử cung ngắn, có bất thường tử cung, tử cung dị dạng bẩm sinh, u xơ tử cung, hở eo tử cung, từng khoét chóp cổ tử cung, viêm nhiễm âm đạo; nhau tiền đạo, vỡ ối non, đa ối, đa thai, nhiễm trùng thai kỳ; thai chậm tăng trưởng...
Các dấu hiệu cảnh báo trẻ sinh non như: đau bụng dưới, có cơn co thắt tử cung, dịch âm đạo bất thường...

Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi đang khám và tư vấn cho thai phụ tại BVĐK Tâm Anh TP HCM, tháng 12/2021.
Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi cho biết, tai biến sinh non là một trong nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Nếu em bé may mắn cứu được cũng có thể để lại nhiều di chứng về sau do chưa được phát triển hoàn chỉnh trong bụng mẹ về thần kinh, thị giác, thính giác, hệ hô hấp, hệ miễn dịch... Cụ thể, em bé có thể bị nhiễm trùng, suy hô hấp sau sinh, chảy máu hộp sọ, bất thường ở tim, hạ đường huyết, rối loạn thân nhiệt, thiếu máu, bệnh lý võng mạc... Trẻ sinh non còn có nguy cơ cao về di chứng thần kinh, bại não, rối loạn tiêu hóa, rối loạn đường hô hấp, hệ miễn dịch suy yếu, rối loạn thị lực, thính lực... Các nguy cơ này có thể xuất hiện muộn hơn khi bé bắt đầu vào mầm non hoặc thậm chí trễ hơn khi đến tuổi trưởng thành.
Trẻ sinh trước 32 tuần có tỷ lệ di chứng là 1/3, từ 32 - 35 tuần tỷ lệ di chứng là 1/5, từ 35 đến 37 tuần tỷ lệ di chứng là 1/10. Bệnh lý võng mạc cũng là một trong những căn bệnh để lại hậu quả nặng nề cho trẻ sinh non. Khoảng 90% bệnh nhân sẽ bị bong võng mạc dẫn đến mù vĩnh viễn nếu không kịp thời điều trị.
Bên cạnh đó, người mẹ sinh non cũng dễ bị biến chứng sót nhau, nhiễm khuẩn hậu sản.
Trong chương trình Tư vấn trực tuyến về dự phòng, điều trị dọa sinh non và chăm sóc trẻ sinh non an toàn, giải đáp thắc mắc của độc giả Hương Phạm về nguy cơ sinh non ở lần mang thai thứ 3, bác sĩ Kim Ngân, cho biết: Tiền sử sinh non là một trong những yếu tố nguy rất cao trong lần mang thai hiện tại. Khi khám thai, ở tuần 16-20, bác sĩ sản khoa sẽ xác định chiều dài và hình dáng cổ tử cung của thai phụ. Đây là các yếu tố giúp bác sĩ điều trị dự phòng tốt hơn. Nếu chiều dài cổ tử cung ngắn hơn 25 cm hoặc có hở eo tử cung trên tiền sử sinh non 2 lần, bác sĩ sẽ phối hợp phương pháp đặt vòng nâng kết hợp đặt progesterone cho đến tuổi thai 36 tuần.
Với trường hợp của độc giả Bảo My, có tiền sử sảy thai, sinh cực non vì hở eo tử cung 3 lần, theo bác sĩ Kim Ngân ở lần mang thai lần 4, thai phụ cần đánh giá tử cung, cần được tầm soát sớm ở tuổi thai 11-12 tuần, bắt đầu dự phòng sinh non từ 13 tuần trở đi.
Chia sẻ về việc khâu eo cổ tử cung ở trường hợp mang thai đôi của độc giả Hạ Trâm, bác sĩ Lê Thanh Hùng (Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, phương pháp đặt vòng nâng (vòng Pessary) khi mang thai đôi cho hiệu quả cao hơn. Để đặt vòng nâng còn tùy thuộc vào tình trạng, độ tuổi của thai và với điều kiện cần là không có tình trạng viêm nhiễm.
Theo bác sĩ Thanh Hùng có thể dự phòng và điều trị dọa sinh non bằng các biện pháp can thiệp hiện đại nếu thai phụ khám thai đúng lịch tại các cơ sở chuyên khoa có đầy đủ trang thiết bị tiên tiến. Bác sĩ Thanh Hùng khuyên thai phụ nên tránh làm việc nặng, tuân thủ khám thai định kỳ, thực hiện các xét nghiệm tầm soát sớm bệnh lý ở mẹ và bất thường thai có thể gây ra nguy cơ sinh non.
"Khi có bất thường trong thai kỳ, thai nhi cần được chuyển viện trong tử cung đến các cơ sở y tế có sự phối hợp liên chuyên khoa giữa Sản - Sơ sinh - Tim mạch, được đầu tư máy móc, cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm để có thể chẩn đoán, xử trí kịp thời nguy cơ dọa sinh non. Nhiều nghiên cứu cho thấy, ¾ số ca tử vong vì biến chứng sinh non có thể được ngăn chặn hiệu quả bằng các biện pháp can thiệp hiện đại, hiệu quả về chi phí", bác sĩ Mỹ Nhi khẳng định.
Kim Uyên