Những ngày qua, người ta bất ngờ phát hiện thắng cảnh Hòn Rơm ở phường Mũi Né, TP Phan Thiết, bị san ủi làm dự án biệt thự nghỉ dưỡng quy mô hơn 85 ha, khi chủ đầu tư chưa có đánh giá tác động môi trường và giấy phép xây dựng. Cả ngọn núi nay bị hạ cốt, san ủi, đào bới nham nhở. Thảm thực vật, cỏ cây cỏ tự nhiên trên ngọn núi rộng hàng chục ha nhô ra biển bị cạo trọc, mất đi vẻ đẹp vốn có.
Chứng kiến cảnh Hòn Rơm bị tàn phá nặng nề, nhiều người xót xa trước cách bức tử thiên nhiên để làm du lịch. Độc giả Thanh nguyen-viet bức xúc: "Ai đi Mũi Né sẽ thấy rất rõ rằng cảnh quan thiên nhiên đã bị tàn phá nghiêm trọng. Đi hàng km bờ biển nhưng tôi thậm chí không nhìn thấy biển đâu, dù đường chỉ cách biển có hơn trăm mét. Đây là hệ quả của việc các khu nghỉ dưỡng, resot mọc ngổn ngang bên đường. Tôi từng có rất nhiều kỷ niệm với Bình Thuận, rất yêu Mũi Né, nhưng thú thật giờ quay lại không còn thấy Mũi Né đẹp nữa. Nơi đây thậm chí còn thua xa bờ biển Nha Trang, Đà Nẵng, Quy Nhơn... tuy rằng trước đây nó từng rất đẹp".
Cùng chung cảm xúc tức giận, bạn đọc Hqtien bày tỏ: "Tôi từng có 5 năm sinh sống ở nơi đây và trót yêu say đắm nơi này. Nhưng sự thật là những rặng dừa nay đã không còn nhiều nữa. Và giờ, người ta lại định biến Hòn Rơm thành những khối bê tông khổng lồ. Đó quả thực là một sự xúc phạm cảnh quan thiên nhiên. Ai từng đi tới chân Hòn Rơm vào mùa nắng gió và rảo bước nơi đây sẽ thấy vẻ đẹp mê hồn của nó. Đổi mới để phát triển kinh tế là điều tốt, nhưng đừng xâm phạm đến những gì mà thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây".
>> Nhà hàng ở Mũi Né xây trái phép bốn tháng không ai biết?
Chưa được cấp phép xây dựng và hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường nên dự án từng bị chính quyền xử phạt khi triển khai thi công. Những năm qua, chủ đầu tư công trình nhiều lần bị xử phạt lên tới hàng trăm triệu đồng vì chưa hoàn thiện về mặt pháp lý. Tuy nhiên, sau đó, công trình vẫn tiếp tục được thi công bất chấp pháp luật.
Không chỉ có Hòn Rơm, những năm gần đây, tình trạng xây dựng công trình bê tông diễn ra ngày một mất kiểm soát ở các địa danh du lịch nổi tiếng như Sa Pa, Đà Lạt, Mã Pì Lèng... Khẳng định đây là cách quy hoạch làm du lịch sai lầm, độc giả Soda6887 nhấn mạnh: "Tôi đi du lịch khắp cả nước, giờ thấy đâu đâu cũng xây resort, dự án. Thậm chí, ngay bãi Xếp, Quy Nhơn cũng có một dự án phá cả quả đồi để xây hàng trăm căn villa. Thế nên, bão lũ xảy ra khi không có rừng phòng hộ là điều hiển nhiên. Thực tế, rất nhiều resort xây xong lại không có khách, phải bỏ hoang. Thật sự thấy buồn cho một đất nước xinh đẹp nhưng không có quy hoạch rõ ràng".
Đồng quan điểm, bạn đọc Startfromzero1992 đánh giá: "Chúng ta làm du lịch thật buồn cười. Giá trị cốt lõi của từng địa danh lại bị đập đi, thay bằng việc bê tông hóa. Tôi đã đi Sa Pa hai lần, mỗi lần cách nhau khoảng 5 năm. Lần cuối tôi đến nơi đây, thấy nó giống một thành phố bê tông hơn là một khu du lịch thiên nhiên, với xe tải chạy mù mịt, những công trình bê tông đồ sộ".
>> Sa Pa 'chán không muốn quay lại'
"Giờ bất cứ chỗ nào có cảnh quan thiên nhiên đẹp, từ núi xuống biển, là y như rằng có khách sạn, resort, khu nghỉ dưỡng cao cấp, cáp treo mọc lên. Xây những thứ đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cảnh quan tự nhiên và rất xấu đến môi trường. Bất kể người ta cam kết ra sao, phương án xây dựng như thế nào, hậu quả tất yếu là thiên nhiên vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng. Chúng ta cứ đòi du lịch thân thiện với môi trường, phát triển bền vững, nhưng thực tế đang cho thấy điều hoàn toàn ngược lại", độc giả Nguyen Thuy bổ sung thêm.
Cảnh báo những hậu quả khôn lường khi phát triển du lịch theo hướng tàn phá thiên nhiên, bạn đọc Duphat909 kết lại: "Phát triển du lịch nhưng không đi kèm với bảo vệ cảnh quan môi trường thì chỉ được cái lợi trước mắt. Thế hệ con cháu chúng ta sau này sẽ không còn được thấy Đà Lạt của những rừng thông hay Sapa mộng mơ nữa. Thay vào đó sẽ là những thành phố ngột ngạt của những tòa nhà bê tông và những dự án du lịch phá vỡ quy hoạch".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.