"Sa Pa sắp thành cái rạp xiếc khổng lồ rồi. Người ta lên núi là để tìm về thiên nhiên hoang sơ, vậy nhưng chỉ toàn thấy dựng tượng công chúa, nữ thần tự do, đầu khổng lồ, tháp Eiffel... Tôi nhìn chỉ thấy kệch cỡm và lạc quẻ giữa thiên nhiên hùng vĩ. Thay vì cố 'nhái Tây', tại sao chúng ta không chịu làm những thứ đặc trưng vùng miền để du khách đến chụp ảnh biết ngay đây là Việt Nam chứ không phải là Mỹ hay Trung Quốc?".
Đó là quan điểm của độc giả Tranconghuy xung quanh vụ việc tượng nhân vật hoạt hình nổi tiếng Elsa được đặt trong khuôn viên một khu du lịch Sa Pa để chụp ảnh check-in. Bức tượng được làm từ nhựa, cao hơn hai mét, phía dưới là kính chịu lực đang được thi công. Trong khuôn viên còn có các hạng mục khu phố cổ Nhật Bản, đường trúc Trung Hoa, tháp nghiêng Pisa Italy, tượng Nữ thần tự do, làng cổ Việt Nam... cũng từng gây nhiều tranh cãi.
Cùng chung cảm nhận về bức tượng này, bạn đọc Gà con nhận xét: "Tôi rất không thích chuyện xây dựng những tiểu cảnh chỉ phục vụ cho việc check-in sống ảo như thế này. Thà nó ở trong một công viên giải trí dạng Disney Land thì còn hiểu được. Rất nhiều điểm du lịch tại Việt Nam hiện nay chỉ giỏi học đòi mà chẳng có bản sắc gì, khiến cho những nơi như Sa Pa, Đà Lạt... biến thành các công viên nhân tạo hơn là các điểm du lịch tự nhiên".
"Tôi cảm thấy mấy khu du lịch ở Việt Nam ngày càng thiếu ý tưởng để thu hút khách du lịch. Phần lớn họ chỉ toàn đi copy, hết cổng trời Bali đến Nữ thần tự do, và giờ là tượng nhân vật hoạt hình Mỹ. Điều đó chỉ càng làm hư cảnh quan thiên nhiên, chưa kể để tượng nhựa dưới nắng mưa, một thời gian sau sơn bong tróc loang lổ, nhìn sẽ còn mất thẩm mỹ hơn nữa", độc giả Socnau nói thêm.
>> Thảm họa 'Nữ thần Tự do' gây ác cảm ở Sa Pa
Bức tượng "Nữ hoàng băng giá phiên bản lỗi" bị nhiều người chê có biểu cảm đáng sợ, khuôn mặt thiếu cân đối, thân hình vạm vỡ, bắp tay to và lạc quẻ giữa cảnh quan thiên nhiên xung quanh.
Trong khi đó, khẳng định Việt Nam không thiếu các nhân vật biểu tượng có thể dựng thành tượng thay vì bắt chước các hình tượng nước ngoài, bạn đọc Quân Đỗ nhấn mạnh: "Đất nước ta có lịch sử hàng nghìn năm văn hiến, với rất nhiều các nhân vật gắn liền với tuổi thơ của biết bao con người Việt. Vậy tại sao chúng ta không tạo hình nhân vật đó. Đơn giản như Thánh Gióng, Tấm Cám, chú Cuội, chú Tễu... chẳng hạn?".
Cho rằng việc phát triển du lịch thiếu bản sắc sẽ góp phần làm hại Sa Pa, độc giả Huongly2610 bày tỏ: "Sa Pa nổi tiếng đối với du khách, đặc biệt là khách quốc tế với thiên nhiên hùng vĩ, cảnh quan tự nhiên, với những bản làng vẫn còn giữ gìn được bản sắc dân tộc độc đáo, con người hồn hậu. Nhưng hiện nay, những công trình xây dựng lố lăng, không bảo tồn được những nét đẹp nơi đây đang ngày một 'giết chết' Sa Pa".
Khẳng định việc sao chép ý tưởng, thiếu sáng tạo không thể giúp du lịch Việt phát triển bền vững, bạn đọc 1 kết lại: "Tôi cũng không thích việc sao chép, nhất là với các địa điểm du lịch văn hóa như Sa Pa. Điều đó phản ánh sự thiếu sáng tạo của con người địa phương (mặc dù thực tế không hoàn toàn là như vậy). Nó cũng thể hiện thiếu sự hỗ trợ của các đơn vị văn hóa du lịch địa phương trong việc phát triển du lịch tỉnh nhà.
Chúng ta hãy xem cầu vàng ở Đà Nẵng thể hiện sự sáng tạo và thành công như thế nào với thế giới. Đó chính là tấm gương để các địa phương du lịch khác cần phải học tập. Việt Nam không hề thiếu sự sáng tạo như nhiều người vẫn nghĩ".
>>Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.Gửi bài tại đây.