"1. Tôi không hiểu tầm nhìn quản lý văn hoá của địa phương ở đâu khi để những bức tượng như vậy được xây dựng tại Việt Nam? Sở Văn hoá phải có trách nhiệm với những gì thuộc về văn hoá tại địa phương mình quản lý.
2. Về thẩm mỹ: bức tượng mất cân đối, thậm chí còn thua cả đồ lưu niệm 'fake'. Muốn xây dựng, ngay nhà với cá nhân, cũng đều phải có giấy phép, chẳng có lý do gì một công trình lớn như vậy mà tới khi hoàn thành, du khách chụp ảnh check-in rồi, người quản lý của địa phương mới biết.
3. Bản quyền: copy bức tượng này rất có thể bị cho là sự 'xúc phạm' người Mỹ và văn hoá Mỹ, rất dễ xảy ra kiện tụng về mặt pháp lý. Đã là biểu tượng văn hóa, mọi sự chế cháo, copy đều là xúc phạm nặng nề và là điều kiêng kỵ nhất của cả Tây và ta. Chỉ một bát phở không đúng vị phở Việt cách đây không lâu của chuyên gia ẩm thực nước ngoài còn bị người Việt lên án, chứ đừng nói một hình tượng mang tính biểu tượng, tự hào của người Mỹ như vậy.
Rất nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra khiến người dân các nước sở tại cảm thấy bị xúc phạm và trở thành làn sóng phản đối, thậm chí tẩy chay các sản phẩm liên quan đến nước vô tình làm sai lệch. Tấm gương lớn vẫn còn sờ sờ ra đó".
Đó là những bức xúc của độc giả Tuan@ xung quanh thảm họa "tượng Nữ thần tự do" ở Sapa. Bức tượng nằm trong khu du lịch Check-in An Sa Pa, đường Nguyễn Chí Thanh (phường Phan Si Păng), rộng hơn 1,7 ha, đi vào hoạt động từ cuối năm 2020. Ngoài "tượng Nữ thần tự do", khu này còn nhiều công trình xây dựng mô phỏng tháp Eiffel (Paris, Pháp), tháp nghiêng Pisa (Italiy), núi Tổng thống Mount Rushmore (Mỹ)... Chính quyền thị xã Sa Pa đã yêu cầu đóng cửa cơ sở du lịch này sau ồn ào về bức tượng ở đây.
Đánh giá về những hệ quả tiêu cực sau vụ việc này, bạn đọc Anonymous V cho rằng: "Thứ nhất là tính thẩm mỹ của bức tượng (ai mà nhìn thấy đẹp thì có khiếu thẩm mỹ rất khác người). Thứ hai là về vấn đề về bản quyền. Phát triển du lịch không có nghĩa là muốn làm gì cũng được, nó phải phù hợp với quy hoạch du lịch chung của đất nước, phù hợp với văn hóa bản địa, và với giá trị lịch sử, cũng như không đụng chạm (bôi xấu) đến văn hóa nước khác... Cuối cùng phải được pháp luật công nhận".
>> Sa Pa 'chán không muốn quay lại'
Sa Pa là thị trấn vùng cao đẹp hàng đầu của miền núi phía Bắc. Ngoài việc thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho nhiều lợi thế thì "truyền thống" du lịch hơn 100 năm cũng là một giá trị đặc sắc của Sa Pa. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của du lịch nhưng lại thiếu quy hoạch và quản lý khiến địa phương này rơi vào tình trạng lộn xộn, bát nháo. Thời gian qua, Sa Pa cũng phát triển nhiều điểm check-in để phục vụ nhu cầu chụp ảnh của du khách nhưng hiện chưa có quy chuẩn cụ thể về điểm du lịch theo hình thức này.
Nói về thực trạng du lịch tại Sa Pa, độc giả Quantong bày tỏ nỗi thất vọng: "Tôi đã đến Sa Pa ba lần, nhưng mỗi lần đến đều thấy buồn vì nơi đây đã mất đi vẻ thơ mộng, tĩnh lặng vốn có của nói. Thay vào đó là tiếng ồn ào của các công trình xây dựng ồ ạt khắp nơi. Buồn cho một địa điểm du lịch".
Đó cũng là cảm nhận của bạn đọc Taurus Hao sau khi trực tiếp trải nghiệm du lịch Sa Pa: "Tôi tới Sa Pa xong cũng chẳng muốn quay lại. Nếu có thì tôi chỉ thích lên nóc nhà Đông Dương thôi, chứ ở đây quá bát nháo. Trẻ em bán hàng rong rất đông, nhưng tôi ngạc nhiên khi đứa nào cũng biết vài thứ tiếng để chào mời khách nước ngoài mua hàng. Tóm lại, tôi cảm thấy lạc lõng chứ không thấy được vẻ thơ mộng giống như khi lên Đà Lạt - dù vào trong rừng vẫn thấy thoải mái, dễ chịu".
"Xin đừng làm xấu xí thêm cảnh quan thiên nhiên Sa Pa nữa. Đây là một lỗi rất nghiêm trọng trong phát triển du lịch. Nó gây hủy hoại môi trường, phung phí tài nguyên, tạo ác cảm với khách du lịch, tạo tư duy tạp nham trong trí óc giới trẻ. Tôi không đi Sa Pa cũng vì quá nhiều thứ phản cảm. Mong muốn kiếm một cảnh quan thiên nhiên ở Sa Pa dường như là điều quá xa xỉ", độc giả Minh minh ngao ngán.
Hội An và Sa Pa (vị trí thứ 6) từng được nhà xuất bản du lịch nổi tiếng Rough Guides vinh danh trong danh sách 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Ruộng bậc thang ở Sa Pa cũng được mạng thông tin điện tử quốc tế Touropia xếp hạng nằm trong top 11 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới. Kênh truyền hình National Geographic thậm chí từng xếp Hoàng Liên Sơn, Sa Pa là một trong bảy điếm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2019.
Thế nhưng, dường như chính vì sự phát triển quá vội vàng đã đang dần "phá nát" Sa Pa. Nơi đây trở nên hỗn độn hơn, bụi bặm hơn và thương mại hóa nhiều hơn. Sa Pa hiện nay thậm chí còn được ví như một "đại công trường", các tòa nhà, khách sạn mọc lên như nấm, đường sá đầy ổ voi, ổ gà, rác khắp nơi, phương tiện cá nhân chật kín các con phố. Nếu đối chiếu với những thực trạng đang diễn ra, cũng không khó hiểu khi Sa Pa đang dần đánh mất sự yêu mến của bạn bè quốc tế.
Bạn đọc Đỗ Anh Tuấn chỉ ra vấn đề của phát triển du lịch tại Sa Pa nói riêng và cả nước nói chung: "Bây giờ Sa Pa, Đà Lạt, Côn Đảo... đều mất đi chất thơ vốn lôi cuốn khách du lịch và mang đậm nét phong cảnh hữu tình. Ngày xưa (cách đây 5 năm), nơi đây là những rừng thông, ngọn núi, mây mù bao phủ, không khí trong lành, mát lạnh... khiến ai ai cũng muốn đặt chân vì hai lý do: ngắm cảnh, nghỉ dưỡng và khám phá những điều mới mẻ.
Nhưng chỉ vì tầm nhìn quy hoạch kém, chỉ muốn thu hút thật nhiều lợi nhuận, muốn số lượng nhiều chứ không cần chất lượng khách du lịch... từ đó kéo theo hệ quả là phá vỡ một vùng đất yên bình, nên thơ, để xây nên những tòa nhà lô cốt bê tông hóa, phá rừng lấy đất làm du lịch, không khí hết trong lành, mây mù cũng chẳng có hoặc ít đi, thời tiết trở nên nóng nực chứ không còn lạnh nữa... Hậu quả, vài năm nữa chắc chẳng ai muốn đi du lịch những điểm này, người ta sẽ tìm đến những vùng đất mới chưa khai phá, không khí trong lành hoặc có tiền hơn nữa họ sẽ xuất ngoại đi du lịch".
Nhấn manh tầm quan trọng trong việc phát triển du lịch có định hướng và quy hoạch lâu dài, bạn đọc Chuthuyhang15 chỉ ra sai lầm của nhiều địa phương: "Muốn làm du lịch lâu dài, chúng ta phải có quy hoạch tổng thể. Sa Pa đang phát triển theo kiểu tự phát, giống hệt như Đà Lạt vậy. Tình trạng bát nháo, lộn xộn, sẽ không thể nào giúp nơi đây giữ được dấu ấn riêng. Khách du lịch có thể tới một lần nhưng sẽ không bao giờ muốn quay lại nữa. Làm du lịch là rất tốt cho kinh tế địa phương, nhưng cần phải có định hướng và quy hoạch lâu dài".
Lê Phạm tổng hợp
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.