Xung quanh câu chuyện "Thói quen ăn chặn tiền 'thối' ở Việt Nam", tôi cho rằng nhiều người đang nhầm lẫn giữa chuyện lịch sự, tôn trọng người làm dịch vụ với chuyện mặc định người mua phải cho thêm, làm tròn lên số tiền phải trả. Tôi đi taxi, cắt tóc có thói quen bao giờ cũng cộng thêm chút tiền vào phí dịch vụ (khoảng 20-25%). Tôi chỉ đưa tiền và nói lời cảm ơn sau đó đi luôn là người bán hàng hiểu rằng không cần trả lại tiền thừa.
Vào nhà hàng, nhìn hóa đơn cần thanh toán tôi cũng hay làm tròn lên, nếu cảm thấy vẫn ít hơn 10-15%, tôi còn tip thêm cho họ. Nhưng không có chuyện hóa đơn ghi một mà nhân viên lại tự ý hô thành hai và bắt khách phải trả thêm, coi như tiền tip. Những trường hợp như vậy, tôi nhất quyết không thỏa hiệp. Tôi thà dùng tiền đó cho người nghèo ngoài đường, thậm chí cho nhiều hơn thế, chứ dứt khoát không chấp nhận kiểu tự ý lấy tiền thừa của khách.
Tôi tin rằng, trừ những người quá nghèo, còn lại không ai tiếc tiền lẻ cả. Nhưng khi khách hàng nói rõ là gửi tiền boa thì đó là tấm lòng, còn khi người phục vụ tự ý lấy thêm tiền thì đó là ăn chặn. Chẳng có gì là văn minh, là tôn trọng, là thấu hiểu ở đây cả, nên tôi mong đừng ai cổ súy cho những cách hành xử như thế của người làm dịch vụ.
Tôi lấy ví dụ ở một nước Đông Âu, họ chắc chắn có thói quen cho tiền boa hơn hẳn người Việt, nhưng luôn luôn giữ nguyên tắc chuyện nào ra chuyện ấy. Đồng xu nhỏ nhất của họ có khi chưa bằng tờ 50.000 đồng, nhưng giá nhiều mặt hàng của họ tính chính xác tới từng xu, không có chuyện làm tròn. Trong cửa hàng, kể cả siêu thị lớn, người ta cũng đếm và trả lại đủ từng xu cho khách. Nếu không có đồng xu lẻ, họ sẽ trả bằng đồng xu có mệnh giá lớn hơn. Cũng không người mua hàng nào đòi hỏi tới từng xu, nhưng người bán tự ý thức được rằng đó là trách nhiệm của mình.
>> Tôi không đòi hỏi tài xế, shipper 'thối' tiền lẻ
Lờ đi việc người làm dịch vụ không "thối" tiền lẻ cho khách không phải là văn hóa, văn minh. Không ai có quyền bắt tôi phải cho thêm, hay im ỉm lấy thêm của tôi. Ở đây không phải là keo kiệt, tôi sẵn sàng tip thêm cho họ nếu muốn, đó là tấm lòng của tôi. Nhưng tôi không có trách nhiệm phải cho thêm ai dù chỉ là tiền lẻ. Nếu tôi hài lòng, thậm chí cho thêm 50.000 đồng cũng không tiếc, nhưng ngược lại, muốn lấy của tôi 5.000 cũng không được.
Có một điều là dù ở Mỹ hay châu Âu thì người ta cũng không tự ý lấy tiền tip, kiểu như tự thưởng cho mình bằng tiền của khách. Tip là hành động đáng hoan nghênh, nhưng nó không bao giờ là nghĩa vụ của khách hàng. Vì thế không ai có quyền tự lấy tiền tip. Kiểu tip bắt buộc là tinh thần lệch lạc. Lấy tiền của người khác mà không có sự đồng ý của họ đều là ăn chặn, dù ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Cho tiền phục vụ chỉ là nét văn hóa, và cũng rất khác ở những nơi khác nhau. Nhiều người cho rằng ai đó muốn nhận lại đủ tiền thừa, không thiếu một đồng là keo kiệt. Xin thưa là không phải ở mọi nơi đều có thói quen cho tiền dịch vụ và cũng chẳng có đâu là chuẩn mực. Vì mỗi cộng đồng sẽ có những nét văn hóa riêng. Nếu không tin, các bạn có thể tìm hiểu xem người Nhật nghĩ thế nào về tiền boa. Tự nguyện cho tiền hoàn toàn khác với tự ý lấy tiền thừa của khách. Đừng sính ngoại theo kiểu nửa vời.
Siwtom
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.