Kết quả tái khám sau khoảng 2 tháng, khối u của bà Nguyễn Thị Cúc giảm gần 58% thể tích, chỉ còn 0,71 g, không thấy lồi cổ và cảm giác vướng cổ. Bác sĩ dự kiến khối u còn tiếp tục thu nhỏ thể tích, khả năng một năm sau chỉ còn lại mô sẹo, được xem là khỏi hoàn toàn.
Khi khám sức khỏe tổng quát ở địa phương, bác sĩ phát hiện nhân giáp của bà Cúc và tư vấn mổ bóc nhân. Tuy nhiên, bà ngần ngại chưa muốn phẫu thuật vì lo sợ các biến chứng có thể xảy ra. Tháng 8/2022, cảm thấy cổ lồi hơn và tự sờ thấy khối u, kèm theo khó chịu vùng cổ, bà đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.
Kết quả siêu âm cho thấy, nhân giáp của bà Cúc có kích thước 12x14x23 mm (tương đương 1,7 g), tăng sinh mạch máu nhiều. Bác sĩ chỉ định thực hiện đốt sóng cao tần (RFA) điều trị nhân giáp. Đây là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, ít gây biến chứng cho bệnh nhân.
Theo BS.CKII Lê Văn Khánh, Trưởng khoa Điện quang can thiệp, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, bệnh nhân có nhân giáp lành tính gây lồi cổ mức độ nhẹ, có thể điều trị khỏi chỉ sau một lần đốt sóng cao tần.
Bác sĩ sử dụng kim đốt nhân giáp bằng sóng cao tần dưới hướng dẫn siêu âm. Thủ thuật kết thúc trong 30 phút, hình ảnh siêu âm kiểm tra cho thấy khối u được điều trị triệt để, không còn mạch máu trong nhân. Bà được xuất viện về ngay trong ngày.
Bà Cúc là một trong nhiều bệnh nhân có u lành tính tuyến giáp được điều trị thành công bằng kỹ thuật RFA tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thời gian qua. Theo bác sĩ Khánh, đa phần người bệnh lựa chọn kỹ thuật này thay cho phẫu thuật vì các ưu điểm bảo tồn tuyến giáp, không đau, không để lại sẹo hoặc sẹo rất nhỏ. So với phẫu thuật, tỷ lệ gặp biến chứng khi thực hiện RFA thấp hơn nhiều.
Bác sĩ Khánh chia sẻ thêm, phẫu thuật bóc tách nhân giáp thường khó tránh khỏi cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp, dẫn tới một số nguy cơ như suy giáp, hạ canxi trong máu, thay đổi giọng nói. Trong khi đó, biến chứng đáng kể nhất của RFA là việc đốt trúng dây thần kinh quặt ngược gây khàn giọng. Điều này hoàn toàn có thể kiểm soát tốt nếu bác sĩ có kinh nghiệm. Với tỷ lệ thực hiện thành công cao, Bệnh viện Tâm Anh đang hướng tới sử dụng RFA thay thế phẫu thuật trong điều trị u tuyến giáp lành tính.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, ngoài điều trị bướu giáp, nhân giáp lành tính, những năm gần đây RFA còn được một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... ứng dụng điều trị ung thư tuyến giáp. Một số nghiên cứu cho thấy, hơn 91% khối u biến mất hoàn toàn, số còn lại mặc dù không thể triệt tiêu hết u nhưng u cũng không phát triển thêm, tỷ lệ tái phát thấp. Lượng máu mất đi, thời gian nằm viện và chi phí đốt sóng cao tần cũng thấp hơn so với phẫu thuật.
Tháng 5/2021, Hiệp hội Tuyến giáp châu Âu đã ban hành hướng dẫn thực hành lâm sàng về việc sử dụng các kỹ thuật xâm lấn tối thiểu điều trị tuyến giáp ác tính. Trong đó, hiệp hội này chấp thuận sử dụng RFA điều trị cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nhú có nguy cơ biến chứng cao khi phẫu thuật, nhiều bệnh nền đi kèm, từ chối phẫu thuật hoặc trường hợp cần theo dõi chưa điều trị.
Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Hoài Phạm
Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh