Đánh giá tình trạng của anh Nam nguy hiểm, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khởi động báo động đỏ toàn viện. 10 phút nhập viện, anh lên cơn rối loạn nhịp (rung thất), mất tri giác, được sốc điện cấp cứu.
Ngày 9/1, BS.CKI Nguyễn Đức Hưng, Phó khoa Tim mạch, cho biết đột quỵ tim (nhồi máu cơ tim cấp) là nguyên nhân gây ra nhiều cơn rung thất, ngừng tim của người bệnh. Sau khi tình trạng rối loạn nhịp được kiểm soát, người bệnh được thông mạch máu nuôi tim bị tắc nghẽn.
Từ kết quả điện tim, siêu âm tim, bác sĩ xác định người bệnh bị đột quỵ tim do tắc mạch vành nuôi tim. Khối xơ vữa chèn lấp toàn bộ mạch vành, gây đau ngực, khó thở, toát mồ hôi.
Ê kíp nong và đặt khung đỡ kim loại (stent) tái thông động mạch vành. Bác sĩ chọc động mạch ở cổ tay người bệnh (động mạch quay), qua đó luồn ống thông đi trong lòng động mạch, đưa một bóng vào lòng động mạch vành bị tắc, rồi nong và đặt stent. "Đây là kỹ thuật cao, hiệu quả, an toàn để tái thông động mạch vành cấp cứu, giảm tối đa đau đớn cho bệnh nhân", bác sĩ Hưng nói.
Hai ngày sau can thiệp, người bệnh khôi phục sức khỏe và được xuất viện.
Anh Nam có tiền sử tăng huyết áp và thói quen hút thuốc lá. Theo bác sĩ Hưng, đây là những yếu tố nguy cơ lớn gây tắc động mạch vành dẫn tới đột quỵ tim. Huyết áp cao khiến tim tốn nhiều công sức hơn để bơm lượng máu ra các mạch ngoại biên. Hậu quả của gắng sức lâu ngày này làm cơ tim dày lên, cứng hơn, ít đàn hồi, giãn nở so với tim người bình thường, gây suy tim. Huyết áp tăng cao cũng dễ khiến các mạch máu trong cơ thể bị xơ cứng và đàn hồi kém, tăng nguy cơ đột quỵ tim.
Hút thuốc lá làm tăng các phản ứng viêm trong lòng mạch, phối hợp với lắng đọng chất béo trung tính (loại chất béo xấu), giảm cholesterol tốt trên thành mạch khiến máu dính và dễ đông hơn. Lâu ngày, thúc đẩy quá trình tích tụ mảng bám (chất béo, cholesterol, canxi...) làm dày thành mạch, hẹp mạch máu, dẫn đến đột quỵ tim khi mạch máu bị tắc.
Người đột quỵ tim cần được cấp cứu sớm, tốt nhất là 6 giờ đầu khi khởi phát triệu chứng. Nếu can thiệp tái thông mạch vành muộn, cơ tim bắt đầu hoại tử diện rộng, nguy cơ thủng tim, tràn máu màng tim, chèn ép khiến tim ngừng co bóp. Bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao. Bác sĩ Hưng đánh giá anh Nam đến viện sớm, kịp thời tái thông mạch vành trong "giờ vàng".
Đột quỵ tim là bệnh cấp tính, nguy hiểm, có nhiều biến chứng phức tạp, tỷ lệ tử vong cao. Bác sĩ Hưng cho biết những năm gần đây bệnh có xu hướng gia tăng, không chỉ ở cao tuổi, người trẻ cũng có nguy cơ mắc đột quỵ tim. Khảo sát tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội năm 2023, đột quỵ tim chiếm tới 30% số bệnh nhân tim mạch. Khoảng 50% người bệnh nhồi máu cơ tim nhập viện trong tình trạng quá muộn. Trường hợp vào viện kịp thời mức độ tổn thương được sắp xếp từ một đến 4. Trong đó, ở mức độ 4, người bệnh có nguy cơ tử vong đến 90%.
Hiện, người bệnh được điều trị bằng cách nong, đặt stent tối thiểu thuốc cản quang, khoan cắt mảng xơ vữa, vôi hóa mạch máu bằng mũi khoan phủ kim cương, siêu âm trong lòng mạch hay chụp cắt lớp lòng mạch...
Bác sĩ Hưng khuyến cáo nên kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, nhất là hút thuốc lá và tăng huyết áp, để phòng ngừa đột quỵ tim. Người có dấu hiệu đau thắt ngực, mức độ đau từ ít đến nhiều như kiểu đè nặng, khó thở, đổ mồ hôi, buồn nôn, nôn, lo lắng, ho, chóng mặt, tim đập nhanh..., nên đến bệnh viện khám.
Linh Đặng
*Tên người bệnh đã được thay đổi
20h ngày 9/1, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức tư vấn trực tuyến "Thời điểm vàng cấp cứu đột quỵ tim" phát trên fanpage VnExpress. PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến, TS.BS Lê Thị Diễm Tuyết và BS.CKI Nguyễn Đức Hưng, tham gia tư vấn. Độc giả gửi câu hỏi tại đây để được tư vấn. |