Đột quỵ (tai biến mạch máu não) xảy ra khi lượng máu cung cấp cho một phần não bị giảm hoặc gián đoạn. Khi đột quỵ xảy ra, khu vực bị ảnh hưởng không thể nhận được máu, oxy, chất dinh dưỡng cần thiết và các tế bào não sẽ chết. Cơn đột quỵ làm giảm lưu lượng máu đến một vùng cụ thể của não có thể ảnh hưởng đến cách các hệ thống của cơ thể hoạt động.
Đột quỵ thường có ba dạng chính là đột quỵ do thiếu máu não cục bộ, đột quỵ do xuất huyết và thiếu máu não thoáng qua. Các triệu chứng điển hình của đột quỵ như méo mặt, liệt mặt, rối loạn nhận thức, yếu tay chân, mất khả năng vận động, nói khó... Tuy nhiên, có trường hợp đột quỵ không biểu hiện bất kỳ một triệu chứng nào trong số này gọi là đột quỵ thầm lặng (silent stroke).
Nếu bị đột quỵ thầm lặng có thể bạn sẽ không biết trừ khi tình cờ chụp cắt lớp CT não hoặc chụp cộng hưởng từ MRI và thấy có tổn thương. Nhiều người cảm thấy ngạc nhiên khi biết họ bị đột quỵ thầm lặng vào một thời điểm nào đó trong đời.
Tờ Verywellhealth (Mỹ) dẫn nghiên cứu cho thấy, có khoảng 10-11% người từ 69 tuổi cho rằng mình không bị đột quỵ nhưng thực tế đã bị ít nhất một lần đột quỵ thầm lặng, có thể nhìn thấy trên chụp cộng hưởng từ (MRI).
Đột quỵ thầm lặng không gây mất chức năng rõ ràng vì các vùng khác của não có thể bù đắp cho vùng bị tổn thương. Tuy nhiên, chúng có thể là yếu tố nguy cơ cho một cơn đột quỵ nghiêm trọng hơn sau này. Do đó, bạn cần có kế hoạch chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa xảy ra đột quỵ.
Nếu bạn đã trải qua một cơn đột quỵ thì có hơn 20% khả năng bị một cơn đột quỵ khác. Nếu bạn bị đau tim thì có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn. Các tình trạng khác: cholesterol cao, huyết áp cao, tiểu đường và chảy máu hoặc rối loạn đông máu là những yếu tố nguy cơ khác của đột quỵ.
Người từng bị một hoặc nhiều cơn đột quỵ thầm lặng có xu hướng mắc các triệu chứng thần kinh nếu bị một cơn đột quỵ khác trong tương lai. Ngay khi xảy ra đột quỵ thầm lặng, não sẽ bù trừ các vùng khác nhau để kiểm soát các chức năng nhưng nếu có nhiều vùng não bị tổn thương thì sự bù trừ đó sẽ cạn dần.
Đột quỵ thầm lặng không giống cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA) và TIA không gây hại đáng kể cho não. Tuy nhiên thiếu máu cục bộ thoáng qua thường dự đoán về các cơn đột quỵ trong tương lai và người bệnh cần có phương pháp sức khỏe phù hợp, phòng tránh đột quỵ xảy ra. Nếu một người từng bị đột quỵ thầm lặng trước đó, bác sĩ có thể các xét nghiệm sàng lọc để đánh giá các yếu tố nguy cơ. Bước tiếp theo là kiểm soát các yếu tố nguy cơ bằng cách dùng thuốc tim hoặc huyết áp, ăn uống đúng cách, giảm cholesterol, quản lý muối trong chế độ ăn, tập thể dục, cắt giảm thuốc lá hoặc căng thẳng.
Kim Uyên
(Theo Verywellhealth)