Bà Cúc được đưa từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cấp cứu. Ngày 7/6, ThS.BS.CKII Phạm Ngọc Danh Khoa, Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bà Cúc nhập viện trong tình trạng lơ mơ, đánh giá ý thức bằng thang điểm Glasgow ghi nhận 9/15 điểm (điểm số càng thấp mức độ hôn mê càng nặng). Huyết áp tăng 150/90 mmHg, nhịp tim nhanh 120 lần một phút, suy hô hấp, độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi (SpO2) giảm còn 91.
Ngay lập tức, quy trình Code Stroke dành riêng cho cấp cứu đột quỵ được khởi động, sẵn sàng chuẩn bị. Kết quả chụp CT 1975 lát cắt sọ não cho bà Cúc loại trừ đột quỵ xuất huyết não (tức nguyên nhân do vỡ mạch máu não). "Bệnh nhân khởi phát các triệu chứng đột quỵ không đặc hiệu, không thể loại trừ các bệnh lý cấp cứu nguy hiểm khác như thuyên tắc phổi, nhồi máu cơ tim", bác sĩ Danh Khoa nói.
Tình trạng bệnh phức tạp, các bác sĩ khoa Cấp cứu và Thần kinh hội chẩn quyết định tiếp tục chụp MRI 3 Tesla não - mạch não cho bệnh nhân. Kết quả MRI phát hiện tổn thương vị trí cuống đại não bên phải. Người bệnh được xác định đột quỵ nhồi máu não cấp vùng cầu não giờ thứ ba, tức tính từ thời điểm khởi phát triệu chứng. Thời gian này vẫn còn trong giờ vàng cấp cứu đột quỵ nhồi máu não. Bệnh nhân có cơ hội cải thiện triệu chứng và hạn chế di chứng.
Bác sĩ sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch ngay tại phòng chụp MRI, không can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ vì không tắc mạch máu lớn. Sau khi dùng thuốc tiêu sợi huyết, người bệnh được theo dõi sát sao phác đồ điều trị.
Bác sĩ Khoa cho biết một giờ sau, bà Cúc tỉnh dần, có thể trả lời được các câu hỏi. Thang điểm Glasgow nâng lên 14/15. Các triệu chứng thần kinh cải thiện hoàn toàn, thang điểm NIHSS (đánh giá tổn thương thần kinh) giảm từ 8 xuống 0, bệnh nhân cử động chân, tay tốt.
Sau hai ngày điều trị, sức khỏe của bà Cúc hồi phục tốt, đi lại, vận động, nói chuyện bình thường. Bà được tầm soát các yếu tố nguy cơ có thể khiến bệnh tái phát, điều trị kiểm soát tình trạng nhiễm trùng, huyết áp, dinh dưỡng. Dự kiến bà xuất viện sau một tuần.
Bác sĩ Khoa cho biết người ngồi trên máy bay từ 4 giờ trở lên, không di chuyển hoặc ít cử động cơ thể làm tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông, dẫn đến đột quỵ. Trường hợp đột quỵ nhẹ có thể bị bỏ sót vì triệu chứng không đặc hiệu như choáng, ngất, chóng mặt, tê hoặc mệt toàn thân. Bệnh nhân có thể hồi phục triệu chứng nhanh do tổn thương nhỏ, chỉ phát hiện khi tầm soát não bằng chụp CT hoặc MRI.
Nếu mạch máu não lớn bị vỡ hay tắc nghẽn dẫn đến tổn thương các vùng não quan trọng thì triệu chứng rõ và nặng hơn, có thể dẫn đến tử vong. Người thuộc nhóm nguy cơ cao đột quỵ gồm cao tuổi, mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa hoặc tắc hẹp mạch máu não, béo phì, ung thư, chấn thương hoặc sau phẫu thuật, thai phụ.
Bác sĩ Danh Khoa khuyến cáo người di chuyển máy bay đường dài vận động hoặc đi lại, co duỗi chân tay sau mỗi 1-2 giờ để giảm nguy cơ đột quỵ hoặc tái phát. Khám sức khỏe, tầm soát, kiểm soát các yếu tố nguy cơ định kỳ và điều trị ổn định các bệnh mạn tính kèm theo.
Trường Giang
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |