Đột quỵ thường là tình trạng tổn thương não do dòng máu đến một vùng não bị gián đoạn. Các vấn đề về mạch máu phổ biến có thể dẫn đến đột quỵ bao gồm cục máu đông, các vấn đề liên quan đến mạch máu trong não chẳng hạn như chứng phình động mạch hoặc viêm. Đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên thế giới.
Sau khi một người bị đột quỵ, bác sĩ sẽ cố gắng xác định nguyên nhân cụ thể. Vì tìm kiếm nguyên nhân gây đột quỵ giúp bác sĩ quyết định phương pháp điều trị tốt nhất. Tuy nhiên, theo nghiên cứu đăng Hội Tim mạch học Mỹ, có tới 40% trường hợp trong số hơn 27.00 bệnh nhân đột quỵ không thể xác định nguyên nhân. Trường hợp này được gọi là đột quỵ không rõ nguồn gốc.
Sau đột quỵ, đôi khi bác sĩ khá khó khăn để xác định sự gián đoạn cung cấp máu cho não là do cục máu đông hình thành tại chỗ (huyết khối), cục máu đông di chuyển đến não từ nơi khác (tắc mạch) hay một số vấn đề mạch máu khác. Bác sĩ sẽ tiến hành chụp ảnh não (chụp CT hoặc MRI), chụp các mạch máu cung cấp cho não và thực hiện một số xét nghiệm để kiểm tra lượng đường trong máu; chức năng thận, tiểu cầu và đông máu. Siêu âm tim cũng được thực hiện nhằm tìm kiếm các vấn đề về tim tiềm ẩn gây tắc mạch.
Nếu không xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra đột quỵ ngay cả sau khi đã đánh giá kỹ lưỡng thì được kết luận là đột quỵ không rõ nguồn gốc. Có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây ra đột quỵ do không rõ nguồn gốc và những bệnh nhân này thường không đồng nhất. Khi y tế ngày càng phát triển, số lượng người bị đột quỵ không rõ nguồn gốc đã giảm xuống, tuy nhiên, đây vẫn là một chẩn đoán khá phổ biến.
Một số nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân bị đột quỵ không rõ nguyên nhân có liên quan đến rung tâm nhĩ. Các cơn rung nhĩ không gây ra các triệu chứng đáng kể và do đó không được phát hiện. Dùng thuốc kháng đông có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ tái phát ở những đối tượng này.
Ai dễ bị đột quỵ không rõ nguồn gốc?
Những người bị đột quỵ không rõ nguồn gốc giống như trường hợp xác định được nguyên nhân thường là người lớn tuổi có các yếu tố nguy cơ điển hình của bệnh tim mạch. Đột quỵ không rõ nguồn gốc xảy ra như nhau ở nam và nữ. Chúng có thể phổ biến hơn ở người da đen và người Latin. Tiên lượng của một bệnh nhân bị đột quỵ rõ nguyên nhân thường tốt hơn so với đột quỵ không rõ nguồn gốc.
Đột quỵ thường xảy ra do nhiều năm tích tụ bệnh tật trong các mạch máu của tim hoặc não. Hầu hết những người trải qua một cơn đột quỵ đều có nguy cơ cao bị một cơn đột quỵ khác. Tỷ lệ đột quỵ tái phát trong hai năm sau một cơn đột quỵ không rõ nguồn gốc khoảng 15-20% theo nghiên cứu đăng trên Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA). Tìm kiếm nguyên nhân sau một cơn đột quỵ không rõ nguyên nhân thường có thể phát hiện ra các vấn đề sức khỏe chưa được chú ý trước đó ở bệnh nhân. Nhờ đó, người bệnh có thể biện pháp để kiểm soát hoặc điều trị.
Một số yếu tố lối sống có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ chẳng hạn như hút thuốc, chế độ ăn nhiều chất béo, căng thẳng thường xuyên và các vấn đề về tâm trạng, lười vận động. Các nguyên nhân gây đột quỵ ít phổ biến hơn bao gồm mang thai hoặc sử dụng thuốc tránh thai. Để phòng tránh đột quỵ, mọi người có thể hạn chế các yếu tố nguy cơ từ lối sống, nếu có các bệnh về tim mạch, não... cần dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và tái khám định kỳ.
Kim Uyên
(Theo Verrywell Health)