Bà Ngô Thảo, 72 tuổi (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM với biểu hiện tĩnh mạch giãn nổi rõ trên chân, nặng tức chân, chân có cảm giác rối loạn kiến bò. Bà Thảo chia sẻ, triệu chứng này xuất hiện từ lâu, từng thăm khám, điều trị nhiều nơi nhưng bệnh không thuyên giảm, thậm chí tiến triển nặng hơn. Sau khi thăm khám, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng - Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, chẩn đoán bà bị suy giãn tĩnh mạch chân mức độ C3. Bác sĩ chỉ định uống thuốc, mang vớ áp lực chuyên dụng, nếu không cải thiện sẽ phẫu thuật.
Mặc dù tuân thủ chỉ định điều trị nội khoa của bác sĩ nhưng hai chân bệnh nhân vẫn còn cảm giác khó chịu. Vì vậy, bà Thảo được chỉ định tiến hành thủ thuật đốt laser nội tĩnh mạch. Ca thủ thuật diễn ra suôn sẻ trong vòng một giờ. Chỉ một ngày sau, bà Thảo đi lại bình thường, ăn uống tốt và xuất viện.
Theo bác sĩ Dũng phương pháp này sử dụng dây dẫn laser hoặc sóng cao tần (tùy theo lựa chọn của bác sĩ). Chính tia laser hoặc sóng cao tần tạo ra nguồn năng lượng ở đầu dây dẫn. Khi dây dẫn được luồn vào lòng tĩnh mạch bị suy thì nguồn năng lượng sẽ làm xơ lớp bên trong của tĩnh mạch, khiến lòng mạch co lại, làm teo toàn bộ tĩnh mạch giãn.
Bác sĩ Dũng cho biết, trước đây, khi chưa có kỹ thuật đốt laser hoặc sóng cao tần, các chuyên gia phải mổ mở để bóc đi toàn bộ tĩnh mạch giãn. Với phương pháp mới này, có thể để nguyên tĩnh mạch ở đúng vị trí của nó, chỉ làm cho nó teo lại, xơ hóa, từ đó cải thiện hiệu quả tình trạng ứ máu ở chân. Kỹ thuật này nhẹ nhàng, chỉ gây tê hoặc gây mê nhẹ, không cần gây mê sâu giống như phương pháp phẫu thuật truyền thống, đồng thời xâm lấn tối thiểu. Bệnh nhân chỉ có một vết rạch nhỏ ở vị trí luồn dây laser vào lòng tĩnh mạch, không đau đớn.
Thủ thuật đốt laser nội tĩnh mạch sẽ được thực hiện với sự trợ giúp của kỹ thuật siêu âm trong suốt quá trình đốt.
Ngăn ngừa tái phát
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng cho biết, suy giãn tĩnh mạch chân là bệnh lý thường gặp ở nữ, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi; phụ nữ mang thai; người làm công việc phải đứng hay ngồi quá lâu như giáo viên, tiếp viên hàng không, công nhân dây chuyền; người thường xuyên mang giày cao gót, người thừa cân - béo phì... Nguyên nhân là tĩnh mạch chân bị suy khiến máu ứ lại, cản trở lưu lượng máu từ động mạch tới chân, đồng thời làm rối loạn dinh dưỡng tại chỗ của vùng cẳng chân. Bệnh lý này tuy không đe dọa tính mạng nhưng gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh.
Cụ thể, người bệnh suy giãn tĩnh mạch chân có cảm giác hai chân không bình thường, tê bì, chuột rút về đêm. Bệnh tiến triển từ từ nhưng đến giai đoạn nặng sẽ khiến người bệnh có cảm giác đau nhiều hơn kèm theo ngứa, có những vùng chàm ở dưới da cẳng chân; nặng hơn nữa là lở loét vùng mắt cá, mặt trước cẳng chân, nhiễm trùng... Bác sĩ Dũng cho biết, có những bệnh nhân thường xuyên phải đến các cơ sở y tế để chăm sóc vết thương lở loét vì không thể lành.
Bác sĩ Dũng giải thích, tĩnh mạch ở chân gồm có hệ thống tĩnh mạch nông và tĩnh mạch sâu. Cả hai đều có thể gặp tình trạng suy van tĩnh mạch, bị giãn ra. Tuy nhiên, tĩnh mạch ở sâu trong khối cơ sẽ được cơ bảo vệ, nghĩa là khi chúng ta vận động hay đi lại, cơ ở cẳng chân co giãn sẽ tạo ra áp lực để hỗ trợ máu ở tĩnh mạch lưu thông. Trong khi đó, tĩnh mạch nông nếu bị suy thì máu sẽ ứ xuống, vận động cơ ít hỗ trợ cho quá trình lưu thông này.
Hậu quả là tĩnh mạch nông có xu hướng giãn ra nhiều hơn, dễ tạo ra các búi tĩnh mạch cũng như những hồ chứa máu, gây tắc mạch, tạo huyết khối. Do đó, việc điều trị thường tập trung vào tĩnh mạch nông với các biện pháp như mang vớ tĩnh mạch, đốt laser hoặc sóng cao tần.
Việc phát hiện sớm, điều trị đúng phương pháp là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa biến chứng của suy giãn tĩnh mạch chân. Song song đó, những đối tượng có nguy cơ cao cần phòng ngừa bệnh bằng cách hạn chế đứng, ngồi một chỗ quá lâu, tập thể dục đều đặn, gác chân cao khi ngồi hay nằm nghỉ, duy trì cân nặng trong giới hạn bình thường.
Về khả năng tái phát sau khi đốt laser nội tĩnh mạch, bác sĩ Dũng nhấn mạnh, nếu phương pháp điều trị phù hợp, nguy cơ tái phát ở tĩnh mạch đã xử lý thấp. Song nếu người bệnh không có biện pháp phòng ngừa hợp lý, các tĩnh mạch còn lại hoàn toàn có thể bị suy. Chính vì thế, bệnh nhân không nên chủ quan sau khi đốt laser nội tĩnh mạch mà cần tuân thủ hướng dẫn chăm sóc sau điều trị của bác sĩ, thăm khám định kỳ để phát hiện, xử trí kịp thời.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, để chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch chi dưới, bác sĩ sẽ thăm khám và thực hiện siêu âm doppler mạch máu. Theo BS.CKI Lê Tự Phúc, bác sĩ Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, đây là phương pháp động trong thời gian thực có thể phân tích hướng di chuyển của dòng máu, đo được thời gian máu chảy ngược dòng nhằm chẩn đoán, khảo sát ở tư thế đứng nên phù hợp với sinh lý bệnh của suy giãn tĩnh mạch. Phương pháp này giúp xác định tổn thương của van tĩnh mạch hiển lớn, hiển bé, tĩnh mạch sâu và các van tĩnh mạch xuyên để giúp lựa chọn kỹ thuật điều trị phù hợp.
* Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi
Thu Hà