Ngày 6/6, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết động mạch chậu chung bên phải của bà Thu phình 2 cm, trong khi người bình thường khoảng 8-10 mm. Chỗ phình nằm ngay nơi động mạch chủ bụng chia đôi thành động mạch chậu phải và trái cấp máu cho hai chân. Động mạch chủ là mạch máu lớn nhất trong cơ thể, xuất phát từ tim rồi đi xuống ngực và bụng.
Theo BS.CKI Trần Quốc Hoài, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, có hai phương pháp chính điều trị phình động mạch gồm phẫu thuật mổ mở cắt bỏ túi phình hoặc can thiệp nội mạch đặt stent phủ, để ngăn nguy cơ vỡ gây biến chứng nguy hiểm. Trong trường hợp của bà Thu, phẫu thuật tiềm ẩn rủi ro như hẹp miệng nối, chảy máu, suy hô hấp, nhiễm trùng, lâu hồi phục...
Để giảm biến chứng trong và sau mổ, bác sĩ chọn đặt stent có màng bọc bên ngoài (covered stent). Đây là loại stent thế hệ mới dẫn máu đi trong lòng stent, không cho máu thoát ra ngoài đi vào túi phình.
Bác sĩ Dũng cho biết nếu chỉ đặt một stent vào chỗ phình động mạch chậu phải, stent không có "điểm tựa" sẽ không vững, dễ di lệch vị trí, khiến dòng máu đi qua động mạch chậu trái (bên bình thường) bị ảnh hưởng, thậm chí tắc nghẽn. Ê kíp quyết định sử dụng kỹ thuật CERAB (Covered Endovascular Reconstruction of the Aortic Bifurcation) tái tạo chỗ chia đôi động mạch chủ bằng stent có màng bọc. Đây là thủ thuật xâm lấn tối thiểu để điều trị tổn thương tại chỗ chia động mạch chủ - chậu.
Trong vòng hơn một giờ, bác sĩ đặt được hai stent vào hai nhánh động mạch chậu trái - phải, ngăn chặn nguy cơ tiến triển và vỡ phình, đồng thời tái tạo dòng chảy trơn tru đến hai chân. Bà Thu xuất viện sau đó một ngày, duy trì tập luyện và uống thuốc để giảm nguy cơ hẹp, tắc stent.
Nhiều nguyên nhân gây phình động mạch chậu như xơ vữa động mạch, nhiễm trùng, chấn thương do phẫu thuật vùng hông hoặc lưng dưới, tình trạng yếu bẩm sinh ở thành động mạch. Bác sĩ Dũng cho biết bệnh xảy ra với tỷ lệ khoảng 0,1% dân số chung. Phình động mạch chậu thường gặp nhất tại động mạch chậu chung 70%, động mạch chậu trong 10%, động mạch chậu ngoài chiếm khoảng 20%.
"Hiếm trường hợp phình động mạch chậu biểu hiện triệu chứng", bác sĩ Hoài nói. Khi khối phình to lên, chèn ép hoặc có biến chứng bóc tách hay vỡ, người bệnh mới nhập viện có nguy cơ biến chứng và tử vong cao. Một số ít người cảm nhận được triệu chứng ở giai đoạn đầu, bao gồm đau lưng, đau bụng dưới, đau bẹn... Tuy nhiên, các biểu hiện dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thần kinh, cơ xương khớp, tiêu hóa khác.
Người trên 60 tuổi, có bệnh nền tăng huyết áp hoặc rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá có nguy cơ phình động mạch chậu. Để giảm rủi ro mắc bệnh, bác sĩ khuyến cáo tránh xa thuốc lá, kiểm soát huyết áp, cholesterol và lượng đường trong máu, giữ cân nặng khỏe mạnh, khám sức khỏe định kỳ.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |