Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 16/11 tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến và thống nhất thiết lập "một số hàng rào an toàn" nhằm ngăn xung đột giữa hai siêu cường. Hội nghị được cho là giúp xoa dịu căng thẳng, nhưng không đạt được bước đột phá nào.
"Hai bên mới chỉ đi những bước thăm dò để tìm hiểu yêu sách đối phương, chưa thể đưa ra thỏa thuận có tính đột phá, căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung hầu như chưa giảm bớt", đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân, nói với VnExpress khi bình luận về kết quả hội nghị thượng đỉnh giữa ông Tập và ông Biden.
Đại tá Tâm nhận định ngay từ đầu cuộc họp, ông Tập gọi Tổng thống Mỹ là "lão bằng hữu" một cách thân mật nhằm làm dịu không khí căng thẳng, song Nhà Trắng cho rằng đây là cách gọi suồng sã và không phù hợp với nghi thức ngoại giao mang tính quy ước.
"Riêng điều này cho thấy Mỹ và Trung Quốc khó tìm được tiếng nói chung khi hiểu biết của hai bên về một số mâu thuẫn trong quan hệ song phương cùng các vấn đề quốc tế mang tính chiến lược còn khoảng cách rất xa, thậm chí trái ngược", chuyên gia cho biết.
Điểm khác biệt giữa ông Biden và cựu tổng thống Donald Trump trong ứng xử với Trung Quốc là thái độ của Tổng thống Mỹ đương nhiệm có phần mềm dẻo hơn về hình thức, "song xét về nguyên tắc, Mỹ vẫn cứng rắn với Trung Quốc qua các hành động thực tế, không cần những tuyên bố to tát", ông Tâm nói.
Chuyên gia này cho rằng sự thăm dò lẫn nhau giữa hai bên là điều dễ hiểu, trong bối cảnh tình thế vừa hợp tác, vừa cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang chuyển sang giai đoạn mới gay gắt hơn trên lĩnh vực kinh tế lẫn chính trị.
Trong khi đó, hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có cải thiện đáng kể quanh các vấn đề địa chiến lược tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khôi phục hiệp ước hạt nhân P5+1 với Iran, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, vấn đề Đài Loan hay Biển Đông.
"Cả Trung Quốc và Mỹ thừa hiểu nếu nổ ra một cuộc chiến, dù là phi truyền thống, sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho họ hơn lợi ích. Không ai chiến thắng trong cuộc chiến đó, hoặc phải chịu tổn thất nặng nề cho chiến thắng mang tính danh dự", đại tá Tâm nói.
Do đó, ông Tập và Biden đều tìm cách ngăn chặn xung đột gia tăng bằng cách vạch một lằn ranh đỏ, song chưa cụ thể hóa được điều kiện do những yếu tố thay đổi nhanh từ cả hai phía, cùng những diễn biến bất thường trong quan hệ Mỹ - Trung. Bước đi đầu tiên có thể ngăn các bên "vượt quá lằn ranh" là thỏa thuận thiết lập đường dây nóng để kịp thời hãm phanh khi có sự cố bất ngờ xảy ra.
"Thỏa thuận tăng cường thông tin hai chiều giữa Mỹ và Trung Quốc có thể coi là điểm sáng gần như duy nhất của cuộc gặp. Điều này cho thấy dù quan điểm còn khác xa nhau trong nhiều vấn đề, Mỹ và Trung Quốc đều nỗ lực đưa quan hệ giữa hai nước về thế ổn định, tránh trượt dốc thêm", đại tá Tâm nói.
Đánh giá về cuộc cạnh tranh hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc, đại tá Tâm cho rằng sau thời kỳ tập trong cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, Mỹ từ thập niên 2010 bắt đầu nhận ra Trung Quốc đang trên đà trỗi dậy, trở thành cường quốc đủ sức cạnh tranh ở cả 4 lĩnh vực chiến lược gồm kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ.
"Đó là lý do chiến lược Xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương ra đời dưới thời Barack Obama, sau đó được các tổng thống kế nhiệm sửa đổi và bổ sung thành Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để đối phó với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc", chuyên gia cho biết.
Điều này làm phát sinh những mâu thuẫn mới, đặc biệt sau khi Mỹ cùng Anh và Australia lập liên minh AUKUS, vốn bị Trung Quốc coi là nhằm chống lại họ. Mâu thuẫn này làm gia tăng căng thẳng không chỉ trong quan hệ Mỹ - Trung, mà còn giữa Trung Quốc với Australia, đối tác thương mại lớn của nước này nhưng cũng là đồng minh an ninh của Mỹ.
Tuy nhiên, ông Tâm đánh giá trong cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường, Trung Quốc có kinh nghiệm lịch sử phong phú hơn Mỹ rất nhiều, sau khi trải qua các thời kỳ Ngũ đại bá, Chiến quốc, Tam quốc và Ngũ đại Thập quốc với mô hình "một số cường quốc tồn tại với nhiều quốc gia nhỏ hơn".
"Trung Quốc hiểu rõ và có kinh nghiệm hơn người Mỹ rất nhiều trong cạnh tranh giữa các siêu cường, do đó họ không lấy làm lạ khi Mỹ đưa ra thuật ngữ trên", chuyên gia cho biết.
Điểm khác biệt lớn nhất ở thời hiện đại là sự ra đời và tồn tại của Liên Hợp Quốc, tổ chức liên kết toàn cầu lớn nhất từ trước đến nay, cùng hàng loạt hiệp ước lẫn chế định quốc gia ngăn chặn mầm mống xung đột vũ trang quy mô toàn cầu.
"Khi đưa ra thuật ngữ cạnh tranh giữa các siêu cường, Mỹ vô hình trung công nhận ngôi vị ngang bằng với Trung Quốc, Nga và các cường quốc hàng đầu thế giới. Ông Tập gọi ông Biden là 'lão bằng hữu' phản ánh tình hình này", đại tá Tâm nhận định.
"Thuật ngữ cạnh tranh giữa các siêu cường và lão bằng hữu trong cuộc đàm phán Mỹ - Trung cho thấy Washington phần nào nhìn nhận vị thế của Bắc Kinh ít nhất tương đương họ về nhiều mặt", chuyên gia kết luận.
Nguyễn Tiến