Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu hội nghị thượng đỉnh bằng hình thức trực tuyến sáng nay (tối 15/11 giờ miền đông nước Mỹ). Video do Nhà Trắng cung cấp cho thấy ông Biden ngồi cùng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và một phiên dịch viên, bên cạnh là màn hình kết nối trực tiếp với ông Tập ở Bắc Kinh.
Trong phát biểu mở đầu, Tổng thống Mỹ cho rằng cần các "rào chắn" để đảm bảo cạnh tranh giữa hai nước không trở thành xung đột, bất kể chủ ý hay ngoài ý muốn. Ông đồng thời bày tỏ lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ có "cuộc thảo luận thẳng thắn".
"Chúng ta cần thiết lập một số rào chắn theo quan điểm chung trước khi nhấn mạnh sự hợp tác", đặc biệt về các vấn đề toàn cầu quan trọng như biến đổi khí hậu", Biden nói. "Chúng ta có trách nhiệm với thế giới cũng như với người dân của chúng ta".
Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ nhấn mạnh các vấn đề nhân quyền, kinh tế và đảm bảo một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và công bằng khi thảo luận với ông Tập. "Hai lãnh đạo đã luôn trao đổi một cách rất trung thực và thẳng thắn. Chúng tôi không bao giờ bỏ qua bước tự hỏi người kia đang nghĩ gì".
Ông Tập trả lời rằng Trung Quốc và Mỹ phải cải thiện "liên lạc" và cùng nhau đối mặt thách thức.
"Với tư cách hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc và Mỹ cần tăng cường giao tiếp và hợp tác", ông Tập nói. "Mỗi nước chúng ta nên điều hành tốt các công việc đối nội của mình, đồng thời chia sẻ trách nhiệm toàn cầu và cùng thực hiện kêu gọi cao cả là hòa bình và phát triển thế giới".
Chủ tịch Trung Quốc cũng bày tỏ rằng ông rất vui khi "gặp lại bạn cũ" Biden và sẵn sàng làm việc với lãnh đạo Mỹ. "Nhân loại sống trong ngôi làng toàn cầu" và các quốc gia phải "cùng nhau đối mặt những thách thức".
"Trung Quốc và Mỹ nên tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại trong hòa bình và theo đuổi hợp tác đôi bên cùng có lợi. Tôi sẵn sàng làm việc với ngài Tổng thống để xây dựng sự đồng thuận, thực hiện các bước tích cực và đưa quan hệ Trung - Mỹ tiến lên theo hướng tích cực", ông Tập nhấn mạnh.
Sau phát biểu mở đầu, hai lãnh đạo tiếp tục trao đổi riêng và các phóng viên được mời ra khỏi phòng họp.
Đây là hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên giữa lãnh đạo Mỹ - Trung kể từ khi ông Biden nhậm chức. Hai lãnh đạo đã điện đàm hai lần từ tháng một, nhưng ông Tập không công du nước ngoài do đại dịch Covid-19 nên hội nghị trực tuyến là lựa chọn duy nhất.
Trước thềm hội nghị, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Biden sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh dự kiến kéo dài vài giờ "với vị thế cường quốc" sau nhiều tháng xây dựng lại liên minh với các nước khác để kiềm chế Trung Quốc. Cuộc gặp là "cơ hội để thiết lập các điều kiện cạnh tranh với Trung Quốc" và kiên quyết yêu cầu giới lãnh đạo ở Bắc Kinh "chơi đúng luật", Psaki nói.
Hầu hết sự chú ý trong quá trình chuẩn bị hội nghị đều tập trung vào Đài Loan, hòn đảo Trung Quốc tuyên bố là một phần lãnh thổ. Các trợ lý của Biden coi hội nghị thượng đỉnh là cơ hội để giúp ngăn chặn căng thẳng leo thang.
"Chúng tôi biết với tư cách lãnh đạo toàn cầu có trách nhiệm, điều quan trọng là phải duy trì các kênh liên lạc mở", một quan chức cấp cao giấu tên của chính quyền Mỹ nói với phóng viên. "Tổng thống cũng sẽ nói rõ rằng chúng tôi muốn xây dựng các lan can bảo vệ chung để tránh tính toán sai lầm".
Nhà Trắng đồng thời tìm cách hạ thấp những kỳ vọng, khi quan chức này nói rằng hội nghị thượng đỉnh "không phải cuộc họp mà chúng tôi mong đợi đạt các thành quả".
Biden, chính trị gia kỳ cựu về các vấn đề chính sách đối ngoại, thường nói rằng điện đàm không thể thay thế gặp mặt trực tiếp. Ông Tập đã không rời Trung Quốc gần hai năm và ông Biden gần đây chỉ trích lãnh đạo Trung Quốc vì không tham dự hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 cũng như hội nghị thượng đỉnh G20.
Quan hệ Mỹ - Trung suy yếu dưới thời tổng thống Donald Trump, người phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và cáo buộc Bắc Kinh che giấu nguồn gốc đại dịch Covid-19. Biden tiếp tục duy trì chính sách cứng rắn với Bắc Kinh và quan hệ song phương ngày càng trở nên tồi tệ hơn do vấn đề Đài Loan.
Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự gần Đài Loan những năm gần đây, với số lượng kỷ lục máy bay chiến đấu vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo trong tháng 10. Mỹ cho biết ủng hộ khả năng tự vệ của Đài Loan nhưng không rõ liệu nước này có can thiệp để trực tiếp giúp hòn đảo phòng vệ.
Truyền thông Trung Quốc hôm 15/11 cho biết Đài Loan là tâm điểm chính trong căng thẳng Mỹ - Trung hiện nay và hội nghị thượng đỉnh sẽ ưu tiên điểm nóng này, đồng thời cảnh báo Mỹ phải "lùi một bước trước". Tuy nhiên, quan chức chính quyền Biden cho biết Tổng thống sẽ trao đổi "rất trực tiếp" điều ông gọi là "hành vi ép buộc và khiêu khích của Trung Quốc đối với Đài Loan".
Huyền Lê (Theo AFP, SCMP)