Ngay khi nhìn thấy đối phương xuất hiện trên màn hình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vẫy tay chào nhau. "Đây là lần đầu tiên chúng ta họp trực tuyến, dù gặp mặt trực tiếp thì tốt hơn. Tôi rất vui khi gặp lại lão bằng hữu của mình", ông Tập sử dụng cách gọi bạn cũ của người Trung Quốc khi gửi lời chào ông Biden.
Tại Trung Quốc, cách gọi nhau là "lão bằng hữu" thể hiện cảm tình với đối phương, đồng thời cho thấy sự quen biết và tin cậy ở mức độ nhất định. Khi ông Tập gọi ông Biden bằng cụm từ này, mối quan hệ lâu năm từng nồng ấm giữa hai lãnh đạo dường như được gợi mở.
Hai người gặp nhau lần đầu tiên vào tháng 8/2011, khi ông Biden giữ chức phó tổng thống Mỹ và ông Tập là phó chủ tịch Trung Quốc. Sau cuộc gặp ở Bắc Kinh, hai người đến Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Mục đích chuyến thăm kéo dài ba ngày của ông Biden là xây dựng quan hệ với ông Tập, lúc đó được dự đoán là lãnh đạo tiếp theo của Trung Quốc.
Đến tháng 12/2013, sau khi trở thành Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập gọi ông Biden là "bạn cũ" khi hai người gặp lại nhau ở Bắc Kinh. Ông Biden cũng đề cập đến "tình bạn" của mình với ông Tập tại sự kiện này.
Wang Huiyao, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa có trụ sở ở Bắc Kinh, cho rằng cách ông Tập gọi ông Biden là "lão bằng hữu" tại hội nghị trực tuyến thể hiện lòng thiện chí chân thành. Trong khi đó, Daniel Russel, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, cho rằng đây là một phần trong nỗ lực tìm kiếm lợi thế ngay từ đầu cuộc họp của lãnh đạo Trung Quốc.
"Ông Tập chủ ý gọi ông Biden là 'lão bằng hữu của tôi', sau khi Tổng thống Mỹ hồi mùa hè nhiều lần thẳng thừng phủ nhận họ là bạn bè. Đáp lại, ông Biden tươi cười và nhấn mạnh rằng tất cả quốc gia, bao gồm Trung Quốc, đều phải tuân theo những luật lệ chung", Russel cho hay.
Thời Ân Hoằng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cũng nhận định cách ông Tập gọi ông Biden là bạn cũ giữa lúc quan hệ hai nước căng thẳng là điểm đáng chú ý.
"Khi người Trung Quốc chúng tôi gọi ai đó là bạn cũ có nghĩa là chúng tôi đã quen biết họ từ lâu. Nhưng một người bạn cũ không nhất thiết có nghĩa rằng anh ta vẫn là người bạn thực sự", chuyên gia Thời giải thích.
Giữa bối cảnh căng thẳng ngoại giao Mỹ - Trung hiện nay, ông Biden có lẽ cũng không muốn trở nên quá thân thiện với ông Tập trong mắt các đồng minh của Washington và đối thủ chính trị.
Hồi tháng 6, khi được hỏi liệu trong tương lai ông có khả năng liên lạc với Chủ tịch Trung Quốc "với tư cách hai người bạn cũ", để đề nghị tạo điều kiện điều tra nguồn gốc Covid-19 hay không, Tổng thống Mỹ đã cố gắng nhấn mạnh quan điểm này. "Chúng tôi hiểu rõ về nhau, nhưng không phải là bạn cũ. Đó thuần túy là quan hệ làm việc", ông Biden nói.
Hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba tiếng rưỡi giữa lãnh đạo Mỹ - Trung không đạt được bước đột phá nào. Tuy nhiên, cả hai vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác với giọng điệu ôn hòa. Dù không đáp lại lời chào "bạn cũ" của ông Tập, ông Biden vẫn bày tỏ mong muốn gặp mặt trực tiếp, nhắc lại chuyến đi cùng nhau tại Trung Quốc trước khi cả hai trở thành nguyên thủ quốc gia.
Theo ông Tập, Mỹ và Trung Quốc không thể tránh khỏi những khác biệt, nhưng hai nước nên tiến hành các bước nhằm kiểm soát và tránh gia tăng bất đồng. Để đạt được mục tiêu đó, Bắc Kinh sẵn sàng tham gia thảo luận và hợp tác với Washington trên một loạt vấn đề như phát triển kinh tế, năng lượng, quân sự, giáo dục, công nghệ hay bảo vệ môi trường, Chủ tịch Trung Quốc nói thêm.
"Trung Quốc và Mỹ nên tôn trọng nhau, cùng tồn tại trong hòa bình và theo đuổi quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi. Tôi sẵn sàng làm việc cùng ngài Tổng thống để xây dựng đồng thuận, đưa quan hệ Mỹ - Trung phát triển theo chiều hướng tích cực", ông Tập bày tỏ.
Ánh Ngọc (Theo Reuters, SCMP)