Lường trước những hậu quả khi công nhân rời bỏ doanh nghiệp để hồi hương sau dịch, doanh nghiệp đang tìm cách cứu vãn:
'Chúng tôi là một doanh nghiệp FDI ở tỉnh Bắc Ninh, cũng từng phải đối mặt với tình trạng tương tự sau dịch bệnh và phong tỏa, nhưng chúng tôi đã có một kịch bản ứng phó cho từng tình huống. Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương rất chặt chẽ để nắm bắt thông tin và kịp thời chia sẻ những khó khăn với người lao động. Đặc biệt là chúng tôi luôn đảm bảo thu nhập cho người lao động ngay trả trong thời điểm ngừng sản xuất. Chính nhờ việc chú trọng xây dựng các kịch bản ứng phó (contingency plan) cũng như các chính sách tiền lương cho người lao động nên chúng tôi không bị mất lao động đê khôi phục sản xuất", độc giả Nam chia sẻ.
Người lao động khẳng định sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của doanh nghiệp chính là lý do khiến họ ở lại làm việc. Bạn đọc Lavuong139 chia sẻ: "Công ty tôi làm về dịch vụ, quy mô chỉ 30 nhân viên. Đợt dịch vừa qua, tất cả chúng tôi đều làm online tại nhà. Trong khi nhiều công ty khác bắt đầu giảm lương nhân viên với lý do ảnh hưởng dịch bệnh, thì sếp tôi vẫn giữ nguyên lương, thậm chí còn hỗ trợ thêm nửa tháng lương để nhân viên chi trả tiền điện nước khi làm việc tại nhà. Điều đó giúp nhân viên vừa đỡ được khoản tiền xăng xe đi lại, và được hỗ trợ thêm phí sinh hoạt. Thế nên, tất cả chúng tôi đều biết ơn sếp, và đương nhiên nguyện gắn bó lâu dài và cống hiến vì công ty. Người lao động chỉ cần lãnh đạo thấu hiểu và quân tâm đến họ là sẽ tận hiến".
>> Dòng người để lại sau lưng 'giấc mơ Sài Gòn'
Đồng quan điểm, độc giả Dung Le nói về trường hợp của mình: "Công ty tôi cứ định kỳ thứ ba hàng tuần lại tổ chức cuộc gọi "heath and well being" qua ứng dụng họp online với sự tham gia đầy đủ tất cả các thành viên trong ban giám đốc. Trong cuộc gọi đó, họ dành 30 phút chia sẻ về tình hình hoạt động của công ty, 30 phút còn lại thì công ty mời các chuyên gia tâm lý, bác sĩ, chuyên gia yoga... để nói chuyện với mọi người. Trong buổi nói chuyện này, ai có vấn đề gì đều có thể chia sẻ với mọi người hoặc nhắn riêng cho ban giám đốc để được hỗ trợ kịp thời".
>> Tiêm hai mũi vaccine vẫn không chịu đi làm
Nói về bài toón giữ chân lao động, nhiều ý kiến cho rằng sự quan tâm và chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp, giúp công nhân vượt qua thời điểm khó khăn, chính là lời giải tốt nhất:
Độc giả Travelers nhận định: "Qua mùa dịch, thiết nghĩ nhiều chủ doanh nghiệp cần có cái nhìn khác về người lao động. Để kỹ năng công nhân thành thạo trong sản xuất, phải có thời gian đào tạo tay nghề và họ là lực lượng không thể thiếu khi doanh nghiệp phát triển đạt hiệu quả trong kinh doanh. Sau khi tình hình dịch lắng xuống và cơ bản được kiểm soát, nền kinh tế khôi phục, muốn thu hút lại người lao động từng làm việc, các doanh nghiệp phải phần nào nâng cao chế độ đãi ngộ người lao động, có chế độ an sinh phù hợp với trình độ tay nghề của họ. Chính điều đó sẽ làm công nhân cảm thấy được trân trọng và có suy nghĩ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp".
>>Doanh nghiệp có thể sử dụng miễn phí một năm gói giải pháp kinh doanh không gián đoạn của FPT, đăng ký ngay tại đây với số lượng có hạn.
Lê Phạm tổng hợp
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.