"Anh ơi, khu nhà ba mẹ em bị phong tỏa rồi", người công nhân nói với tôi bằng một giọng khá buồn và lo lắng. Lúc đó, ai cũng khuyên cậu nhắn với gia đình rằng phải thật sự bình tĩnh và làm theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, còn cậu cũng phải bình tĩnh để còn là điểm tựa tinh thần cho mọi người trong gia đình.
Thật lòng, từ khi TP HCM áp dụng Chỉ thị 10, mỗi khi đọc tin trên mạng hay báo đài, thấy chỗ này có ca nhiễm, chỗ kia bị phong tỏa... tôi cũng không quan tâm lắm. Vì số lượng tin tức ấy đến quá nhiều, nhiều đến nỗi bây giờ thành phố phải áp dụng Chỉ thị 16. Trong thời kỳ này, ai cũng khó khăn, ai cũng mệt mỏi và đôi khi có những ức chế và những lo lắng cho cơm, áo, gạo, tiền.
Bản thân tôi cũng không phải ngoại lệ. Thậm chí, sự lo lắng của tôi còn lớn gấp nhiều lần so với người khác. Bởi với tư cách là một người chủ doanh nghiệp, ngoài những lo lắng thường ngày về công việc làm ăn kinh doanh, giờ tôi còn phải lo đến sự an toàn của toàn bộ nhân công, sự an toàn của nhà máy... và lo duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Ai cũng hiểu, doanh nghiệp bây giờ mà bị phong tỏa thì nỗi lo ấy lại càng chồng chất hơn nữa.
Trước đó 20 ngày, công ty tôi đã phải áp dụng các biện pháp phòng dịch khá mạnh, đến mức nếu một ai đó có suy nghĩ tiêu cực sẽ nói đây là "lợi ích của sự ích kỷ". Chúng tôi "tập trung sản xuất" và "được cách ly tại chỗ". Mục tiêu cốt lõi là để "nhân công an toàn – nhà máy an toàn". Tất nhiên, không ai muốn "bị cách ly" kiểu này cả, đặc biệt phải ở lại trong các khu tập trung của người nghi nhiễm, vậy bài toán đó phải làm sao?
Chắc chắn ai cũng phải tuân thủ 5K theo yêu cầu của Bộ Y tế, nhưng với tình hình lộn xộn vừa qua, không phải cứ ai thực hiện tốt 5K là đảm bảo mình không bị lây nhiễm. Xét nghiệm cũng vậy, ai cũng hiểu xét nghiệm chỉ có giá trị từ lúc lấy mẫu trở về trước. Còn hiện tại và tương lai không ai biết trước điều gì? Nhưng chúng tôi đề ra phương châm: "Thà mình được cách ly còn hơn bị cách ly". Tất nhiên, để áp dụng điều đó không chỉ bằng lời nói. Vấn đề là phải làm sao để mọi người đồng lòng, chung sức và tuân thủ thực hiện. Chưa kể, mỗi người còn có gia đình và phải chăm lo cho người thân của họ.
Một cuộc đấu trí trong tôi bắt đầu diễn ra, nhưng tình huống được đặt ra với những bài toán cần có lời giải hợp lý nhất có thể và phải được đưa ra ngay. Không có giải pháp nào đáp ứng và làm thỏa mãn tất cả. Vì thế, tôi đưa ra hai phương án lựa chọn:
- Những ai ở lại tập trung sẽ phải tuân thủ theo phương châm "nội bất xuất", không chấp nhận bất kỳ lý do ngoại lệ nào, trừ trường hợp ốm đau cần phải đến bệnh viện. Trong thời gian tập trung, nếu ai muốn về với gia đình sẽ vẫn được chấp nhận. Nhưng khi về sẽ không được vào làm việc lại, chờ đến khi có thông báo mới mới được vào làm.
- Những ai không đồng ý ở lại tập trung sẽ được trở về nhà và xem như nghỉ làm không lương.
Những ai tập trung ở lại nhà máy, bắt buộc phải xét nghiệm và ngay sau khi có giấy xét nghiệm phải di chuyển về nhà máy. Kể từ đó quy định "nội bất xuất" được thực thi. Tất nhiên, những ai ở lại cũng sẽ được công ty lo toàn bộ từ chỗ nghỉ, lượng thực hoặc bất kỳ yêu cầu nào của nhân công. Miễn là những yêu cầu đó hợp lý và phù hợp với tình hình chung của công ty cũng như xã hội.
Đến hôm nay, đã tròn 21 ngày kể từ khi chúng tôi thực hiện ăn nghỉ, làm việc tại chỗ, thành quả chắc hẳn ai cũng cảm nhận được. Tất nhiên, ở trong môi trường không được giao tiếp trực tiếp với người thân sẽ rất dễ bị ức chế tâm lý, nhưng trên tất cả, mọi người vẫn động viên nhau để cùng vượt qua và tin tưởng sẽ an toàn.
Mấy hôm nay, TP HCM áp dụng Chỉ thị 16 trên phạm vi cả thành phố, mọi người trong công ty tôi có cảm giác nhẹ nhàng hơn và thấy hạnh phúc hơn. Vì ít nhất họ vẫn được làm việc, không phải vào các khu cách ly tập trung có người nhiễm bệnh, họ vẫn có lương, vẫn được tự do trong khu vực nhỏ, thoải mái hơn nhiều người khác. Mùa dịch, những ai còn có việc làm, có thu nhập vẫn là điều hạnh phúc, đúng không?
Thay mặt cho công ty, tôi chân thành cảm ơn những người đã sẵn sàng ở lại, hy sinh lợi ích cá nhân, hy sinh sự tự do, chấp nhận xa vợ, xa con... và rất nhiều thứ để cả tập thể luôn an toàn, duy trì sản xuất. Những hy sinh của các bạn rất đáng trân quý và tôi tin chắc rằng, các bạn sẽ nhận lại được những phần thưởng xứng đáng.
Chúng ta đã và đang được an toàn, vì thế càng phải bảo vệ sự an toàn này đến cùng. Đừng vì chút lợi ích, tự do cá nhân mà đánh mất nó. Hãy luôn tập trung và tuân thủ những quy định đã làm. Với tôi, các bạn chính là những người hùng, là tài sản lớn nhất mà công ty đang có. Chính các bạn ngay lúc này, đang nuôi dưỡng công ty ngày một tươi đẹp hơn.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.