Số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 12/10 cho thấy khoảng 1,3 triệu lao động đã về quê tránh dịch, tính từ tháng 7 đến 15/9. Trong đó, khoảng 324.000 người trở về từ Hà Nội, 292.000 người về từ TP HCM và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành khác phía Nam. Lao động rời thành phố lớn, trung tâm công nghiệp về các vùng quê diễn ra liên tục từ tháng bảy đến nay. Tuy nhiên, số liệu thống kê lần này chưa tính đến dòng người về quê từ đầu tháng mười, khi TP HCM và các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách.
'Về quê hay ở lại Sài Gòn?', câu hỏi này có lẽ khó có đáp án vẹn toàn cho tất cả. Hồi hương có thể là lựa chọn hợp lý với người này, nhưng lại là không nên với người khác. Thời gian qua, có nhiều ý kiến phân tích về những cơ hội việc làm mới sau khi thành phố nới lỏng giãn cách, điều mà những lao động đã và đang rời bỏ thành phố kia sẽ bỏ lỡ. Tôi đồng tình với những phân tích đó. Nhưng điều đó thuộc về kế hoạch lâu dài. Còn ở đây, tôi xin nói về một khía cạnh khác, gần gũi hơn, thực tế hơn từ góc độ của những người bỏ lại giấc mơ còn dang dở nơi phố thị để trở về quê hương.
Tôi hiện có hơn 70 phòng trọ đang cho công nhân các khu công nghiệp thuê. Sau những cuộc nói chuyện, tôi nhận ra một điều rằng hầu hết những người chọn về quê đợt này đều có chung một điểm, đó là họ không còn khả năng trụ lại thành phố thêm nữa. Khi gọi điện báo trả phòng với tôi, họ đều nói rằng: "Về quê tuy chẳng còn gì nhưng ít nhất dưới đó có người thân hỗ trợ, phải sống cái đã rồi tính tiếp". Hôm rồi, họ được chính quyền cho xe đưa về địa phương.
Nhiều người đề cập đến những khả năng và cơ hội, những rủi ro và thách thức của lựa chọn đi hay ở. Điều đó đúng, nhưng với những con người này, đôi khi quyết định chỉ được đưa ra bởi một lý do hết sức đơn giản: muốn nghĩ đến những vấn đề dài hơi, mang tầm vĩ mô đó, trước tiên họ phải "sống" cái đã.
>> Dòng người để lại sau lưng 'giấc mơ Sài Gòn'
Thực tế, nhiều người quyết định về quê không phải vì sợ dịch, muốn tránh dịch, cũng không phải vì bị kích động, chạy theo số đông. Mà đơn giản, họ trở về để được "sống" và tiếp tục hy vọng. Tôi thấy rất nhiều trường hợp vợ chồng, con cái vượt hàng trăm, hàng nghìn cây số về quê nhưng trong túi chỉ có vỏn vẹn vài chục, vài trăm nghìn đồng. Thử hỏi, với số tiền đó, họ sẽ trụ lại được thành phố thêm bao lâu nữa để chờ đợi những cơ hội tương lai?
Hoặc để dễ hơn hơn, hãy đặt một câu hỏi ngược lại, nếu trụ lại Sài Gòn, họ sẽ phải làm gì để sống qua mấy ngày tới, khi những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng cũng cạn dần? Có thể nhiều người sẽ nói: "Cuộc sống lại sắp ổn định rồi". Nhưng cái "sắp" đó là cụ thể là bao lâu? Những người lớn có thể ăn ít một chút, thậm chí nhịn đói vài bữa, nhưng những đứa trẻ thì sao?
Nói tóm lại, mọi người đừng suy nghĩ những chuyện quá xa xôi, hay đem những thứ vĩ mô ra để đánh giá hay phán xét quyết định đi hay ở của người lao động lúc này. Bởi đó thực sực không phải là những thứ xuất hiện trong suy nghĩ của những con người muốn trở về quê nhà kia. Thứ họ nghĩ lúc này chỉ là: "Về để được người thân hỗ trợ, đùm bọc, dìu dắt nhau qua khó khăn. Và chờ đến khi hết dịch sẽ quay lại để viết tiếp giấc mơ".
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.