Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) khuyến nghị, người bệnh tiểu đường nên uống đồ uống không calo hoặc ít calo để ngăn chọn lượng đường trong máu tăng đột biến. Chọn đồ uống phù hợp, liều lượng vừa phải có thể giúp người bệnh tiểu đường giữ mức đường huyết ổn định, duy trì cân nặng phù hợp.
Dưới đây là những đồ uống có lợi để cung cấp vitamin, khoáng chất và một số loại nên hạn chế nhằm tránh tăng đường huyết.
Đồ uống nên chọn
Nước
Nước là lựa chọn tốt nhất cho những người mắc bệnh tiểu đường vì không làm tăng đường huyết. Lượng đường trong máu cao có thể gây ra mất nước. Uống đủ nước có thể giúp cơ thể loại bỏ lượng glucose dư thừa qua nước tiểu.
Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ khuyến cáo nam giới trưởng thành nên uống khoảng 13 cốc (khoảng 3 lít) mỗi ngày và phụ nữ uống khoảng 9 cốc ( khoảng 2,1 lít). Bạn có thể thêm lát chanh, cam; các loại thảo mộc như bạc hà, húng quế hoặc tía tô đất để tăng hương vị.
Trà xanh
Trà xanh có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nghiên cứu năm 2021 trên nửa triệu người đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ cho thấy, uống trà xanh hàng ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại hai. Cho dù bạn chọn trà xanh, đen, trắng hay ô long thì đều nên tránh những loại có thêm đường. Để tăng thêm hương vị, độ ngon, bạn có thể tự pha trà và thêm vài lát chanh.
Trà thảo mộc
Các loại trà thảo mộc như hoa cúc, dâm bụt, gừng và trà bạc hà đều là những lựa chọn có lợi cho sức khỏe người mắc bệnh tiểu đường. Trà thảo mộc không chứa carbs, calo và đường mà còn rất giàu hợp chất chống oxy hóa chống lại bệnh tật, bao gồm carotenoid, flavonoid và axit phenolic.
Cà phê không đường
Theo đánh giá năm 2019 đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ, uống cà phê có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại hai bằng cách cải thiện sự chuyển hóa đường. Tuy nhiên, người bệnh nên lưu ý chọn loại cà phê không đường vì loại có thêm sữa, kem làm tăng tổng lượng calo và có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
Nước ép, sinh tố rau củ
Trong khi hầu hết nước ép trái cây 100% đều chứa đường, bạn có thể thử nước ép rau củ thay thế. Sinh tố xanh rau củ cũng có lợi, có thể bổ sung thêm chứa chất xơ và chất dinh dưỡng vào chế độ ăn uống.
Bạn có thể tự làm nước ép, sinh tố rau củ bằng cách chọn rau lá xanh, cần tây hoặc dưa chuột với một ít quả mọng để cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất. Người bệnh tiểu đường nên lưu ý đếm lượng quả mọng như một phần của tổng lượng carbohydrate trong ngày.
Sữa ít béo
Sữa có chứa các vitamin và khoáng chất quan trọng nhưng có thể đưa thêm lượng carbohydrate vào chế độ ăn uống. Bạn nên chọn các loại sữa không đường, ít béo hoặc tách béo và uống không quá hai đến ba ly 240 ml mỗi ngày.
Các lựa chọn thay thế sữa
Các lựa chọn thay thế sữa như hạnh nhân, yến mạch, gạo, đậu nành, gạo hoặc nước cốt dừa không có sữa và ít carbs. Chúng cũng được tăng cường các chất dinh dưỡng quan trọng như canxi và vitamin D, cần thiết cho xương.
Sữa đậu nành và sữa gạo có chứa carbohydrate và nhiều loại sữa hạt chứa một lượng protein tối thiểu. Người mắc bệnh tiểu đường nên kiểm tra bao bì cẩn thận để chọn sản phẩm phù hợp.
Nước chanh không đường
Người bệnh tiểu đường có thể dễ dàng tự pha nước chanh không đường tại nhà chỉ bằng một vài nguyên liệu đơn giản để giải khát. Bạn có thể kết hợp nước có ga với một chút nước cốt chanh tươi để tăng độ thơm ngon.
Đồ uống nên hạn chế
Người bệnh tiểu đường nên tránh đồ uống có đường. Chúng không chỉ làm tăng lượng đường trong máu mà còn chiếm một lượn đáng kể lượng calo khuyến nghị hàng ngày.
Soda
Soda đứng hàng đầu trong danh sách đồ uống nên tránh. Theo Hiệp hội tháo đường Mỹ ADA , trung bình một lon có 40 gram đường và 150 calo. Thức uống có đường này cũng có liên quan đến làm tăng cân và sâu răng, vì vậy, tốt nhất người bệnh tiểu đường nên tránh. Thay vào đó, bạn nên uống nước hoặc trà không đường, pha trái cây.
Nước tăng lực
Nước tăng lực có thể chứa nhiều caffeine và carbohydrate. Một nghiên cứu năm 2018 đăng trên Thư viện Y học Mỹ cho thấy, nước tăng lực có thể làm tăng lượng đường trong máu. Quá nhiều caffeine có thể gây lo lắng, tăng huyết áp, dẫn đến mất ngủ. Tất cả những điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của người bệnh.
Nước trái cây có đường hoặc không đường
Mặc dù nước ép trái cây nguyên chất cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, nhất là vitamin C. Nhưng tất cả các loại nước ép trái cây đều có thể bổ sung một lượng lớn carbohydrate vào chế độ ăn uống và là đường nguyên chất (tự nhiên). Chúng có thể làm lượng đường trong máu tăng lên và có nguy cơ tăng cân.
Nếu bạn thèm nước trái cây thì có chọn loại nước trái cây nguyên chất 100%, không chứa thêm đường và uống ở mức vừa phải.
Nguyễn Huyền
(Theo Healthline)