Nguyên nhân gây đổ mồ hôi quá mức là do các tuyến mồ hôi quá tải hoặc do tập thể dục, vận động quá sức, thậm chí do căng thẳng... Dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng đổ mồ hôi ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và sức khỏe tinh thần.
Đổ nhiều mồ hôi cũng là dấu hiệu thường gặp ở người bệnh tiểu đường, báo động lượng đường trong máu cần được kiểm soát. Hầu hết người bệnh đổ mồ hôi nhiều là do các đợt hạ đường huyết. Tình trạng này có thể khắc phục sau khi tiêu thụ đường. Một số người mắc bệnh thần kinh do tiểu đường có thể gặp chứng giảm tiết mồ hôi, không có mồ hôi.
Bệnh nhân tiểu đường có thể đối mặt với các vấn đề liên quan tới tuyến mồ hôi như sau:
Tăng tiết mồ hôi
Hormone tuyến thượng thận (adrenaline) khiến một người đổ mồ hôi quá mức. Hormone này là một thành phần của phản ứng điều hòa nội tiết tố trong cơ thể khi lượng glucose thấp. Thông thường, cơ thể duy trì trạng thái cân bằng nhiệt độ nhất định. Khi đường huyết biến động, trung tâm điều hòa thân nhiệt bị gián đoạn dẫn đến tăng tiết mồ hôi.
Đổ mồ hôi trộm
Đây là triệu chứng phổ biến của bệnh tiểu đường. Người bệnh thường không phát hiện sớm hoặc bỏ qua dấu hiệu này. Bệnh nhân tiểu đường thường đổ mồ hôi trộm nhiều ở mặt, da đầu, cổ sau khi ăn hoặc uống. Đổ mồ hôi trộm chủ yếu xuất hiện ở người bệnh tiểu đường lâu năm, liên quan tới bệnh lý về thận, bệnh thần kinh ngoại vi.
Toát mồ hôi vào ban đêm
Ban đêm, cơ thể sử dụng năng lượng từ thức ăn đã hấp thu ban ngày nhằm tái tạo năng lượng, phục hồi sức khỏe. Nếu không tiêu thụ đủ carbohydrate, hệ thống điều hòa nhiệt của cơ thể có thể hoạt động kém. Nhằm tránh đổ mồ hôi vào ban đêm, mỗi người cần theo dõi các triệu chứng trước khi đi ngủ. Nếu phát hiện đổ mồ hôi sớm, lượng đường trong máu có thể được điều chỉnh bằng cách đơn giản như ăn bánh quy hoặc trái cây. Lượng mồ hôi cơ thể tiết ra tỷ lệ thuận với lượng đường trong máu.
Hạ đường huyết
Hạ đường huyết là nguyên nhân phổ biến gây đổ mồ hôi. Hormone adrenaline được sản xuất để đáp ứng với việc giảm lượng đường trong máu, khiến các mạch máu thu hẹp, kích hoạt tuyến mồ hôi. Nguyên nhân khiến lượng đường trong máu thấp có thể do người bệnh dùng quá nhiều insulin, không tiêu thụ đủ carbohydrate, bỏ qua một bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ, tập thể dục quá mức, uống nhiều rượu. Trường hợp mắc bệnh thần kinh tự trị (dây thần kinh điều khiển các cơ quan quan trọng của cơ thể bị tổn thương) có thể làm đường huyết tăng trong thời gian dài.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, tuyến mồ hôi có thể ngừng hoạt động hoặc hoạt động quá mức. Các bác sĩ có thể sử dụng thuốc điều trị phù hợp. Người bệnh cần thay đổi lối sống; tránh uống nhiều rượu, bia, cà phê; ghi lại diễn biến của triệu chứng đổ mồ hôi, mặc quần áo thoáng mát, giảm căng thẳng. Nếu mồ hôi bài tiết quá nhiều kèm đau ngực, khó thở, sốt cao, ớn lạnh, buồn nôn..., bạn cần đi khám để bác sĩ tư vấn, điều trị sớm.
Minh Thúy
(Theo Verywell Health)