Trả lời:
Huyết áp là áp lực của dòng máu lên thành mạch. Huyết áp gồm có hai con số, ví dụ 140/80 mmHg, 130/90 mmHg. Số cao hơn gọi là huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa), số thấp hơn là huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu).
Theo khuyến cáo hiện nay của Hội Tim mạch châu Âu và Hội Tim mạch Việt Nam, tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu ≥140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg, tức là huyết áp bình thường phải nhỏ hơn 140/90 mmHg. Theo Hội Tim mạch Mỹ, chỉ số huyết áp ≥ 130/80 mmHg là tăng huyết áp.
Đỏ bừng mặt hay da đỏ bừng xảy ra do lưu lượng máu tăng lên, chảy đến một vùng da nhiều hơn như má, khiến các mạch máu giãn ra để bù trừ. Người gặp tình trạng này cũng có thể cảm thấy ấm hoặc nóng ở khu vực quanh cổ, ngực, mặt.
Da ửng đỏ là phản ứng vật lý thông thường khi lo lắng, xúc động mạnh, lúng túng, tức giận hoặc những cảm xúc tiêu cực khác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, dấu hiệu này có thể do vấn đề y tế tiềm ẩn như hội chứng Cushing (chứng rối loạn nội tiết tố) hoặc quá liều niacin (vitamin B3).
Nhiều người nghĩ huyết áp cao gây đỏ bừng mặt, tuy nhiên theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), đây không phải là nguyên nhân. Những cảm xúc này có thể xảy ra trùng hợp với tình trạng huyết áp cao cấp tính.
Ví dụ một số người có thể đồng thời bị huyết áp cao và đỏ bừng mặt do các yếu tố như căng thẳng, rượu, tiếp xúc với nhiệt cao hoặc thức ăn cay. Đốm máu trong mắt cũng phổ biến ở người cao huyết áp nhưng tăng huyết áp không gây ra chúng.
Huyết áp tăng cao đến mức nguy hiểm có thể dẫn đến đau đầu, chảy máu mũi. Lúc này, chỉ số huyết áp có thể đạt tới 180/120 mmHg hoặc cao hơn, người bệnh cần được đưa đến các cơ sở y tế kịp thời. Các triệu chứng khác có thể xảy ra khi tăng huyết áp bao gồm lo lắng nghiêm trọng, tức ngực, khó thở.
Huyết áp cao nếu không điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như bệnh xơ vữa động mạch, suy tim, suy thận mạn và đột quỵ, đáy mắt. Do bệnh thường không có các triệu chứng cụ thể nên nhiều người không biết cho đến khi xảy ra biến chứng nghiêm trọng với sức khỏe.
Cách đơn giản để đánh giá và phát hiện sớm bất thường là đo huyết áp thường xuyên. Người có các thành viên trong gia đình tăng huyết áp hoặc các yếu tố nguy cơ khác như bệnh thận, béo phì, ăn nhiều muối, thiếu hoạt động thể chất, hút thuốc lá... nên khám sức khỏe tim mạch định kỳ.
Ngoài duy trì thói quen tập thể dục, giảm stress, bạn cũng nên ăn chế độ giảm muối, đường, carbohydrate tinh chế, thực phẩm chế biến... để huyết áp và tim mạch khỏe.
ThS.BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc
Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |