Trả lời:
Lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng tế bào tuyến nằm dưới biểu mô của cổ tử cung phát triển lấn ra bên ngoài. Đây là những tổn thương lành tính không cần điều trị, không ảnh hưởng đến khả năng mang thai. Bệnh không gây ung thư cổ tử cung nhưng có thể kèm theo bất thường tế bào tử cung. Khi khám, bác sĩ thường tư vấn phụ nữ thực hiện thêm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung.
Các tế bào tuyến lộ ra bên ngoài vẫn tiết dịch như khi ở trong cổ tử cung nên người bệnh bị tăng tiết dịch trong âm đạo, dẫn đến viêm nhiễm do sự xâm nhập của virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm... (còn gọi là viêm lộ tuyến).
Một số nguyên nhân gây viêm lộ tuyến khác như sang chấn cổ tử cung sau sẩy thai, phá thai, sinh con, cường estrogen buồng trứng làm các tuyến phát triển mạnh, tiết dịch nhiều, gây phá hủy biểu mô lát mặt ngoài cổ tử cung. Một số trường hợp người phụ nữ dùng nhiều estrogen khi mang thai khiến bé gái sinh ra bị lộ tuyến bẩm sinh.
Nếu chỉ là tổn thương lộ tuyến đơn thuần, nữ giới sẽ thấy khí hư ra nhiều hơn bình thường, gây ẩm ướt khó chịu nhưng thường là khí hư trong, không mùi. Nếu có viêm nhiễm, khí hư có màu sắc bất thường (vàng hoặc xanh), mùi hôi khó chịu, dễ chảy máu khi quan hệ tình dục. Nếu bội nhiễm nấm, người bệnh có thể kèm theo ngứa âm đạo.
Nếu viêm lộ tuyến, phụ nữ nên điều trị trước khi mang thai. Do virus, vi khuẩn tại vùng lộ tuyến có thể di chuyển tới nội mạc tử cung, vòi trứng... gây viêm, đồng thời làm mất cân bằng pH trong môi trường âm đạo, cản trở tinh trùng gặp trứng để thụ thai, giảm khả năng mang thai. Tình trạng cũng ảnh hưởng đến sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi, tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non.
Sau điều trị khỏi, phụ nữ vẫn có thể mang thai tự nhiên với điều kiện không viêm tắc và có rụng trứng.
Viêm lộ tuyến được chia thành ba cấp độ. Ở cấp độ một, tế bào tuyến chỉ mới lan ra bên ngoài cổ tử cung, diện tích tổn thương chưa vượt quá 30%. Tình trạng viêm nhiễm chưa lan rộng, chưa ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và quan hệ tình dục.
Ở cấp độ hai, diện tích tổn thương lan rộng khoảng 50-70%. Khi sang cấp độ ba, vùng cổ tử cung bị tổn thương lan rộng hơn 70% diện tích, các triệu chứng bệnh nặng hơn.
Trường hợp của bạn viêm lộ tuyến độ ba nghĩa là có viêm diện rộng, ra máu sau giao hợp, cần đến bác sĩ chuyên khoa sản khám để được chẩn đoán và điều trị dứt điểm. Để đề phòng nguy cơ ung thư cổ tử cung, bạn nên làm phết tế bào âm đạo (Pap' Smear) hai năm một lần nhằm theo dõi và có kế hoạch điều trị kịp thời nếu phát hiện bất thường.
Bệnh có nhiều phương pháp điều trị. Thông thường người bệnh được chỉ định điều trị tại chỗ bằng đặt thuốc cổ tử cung âm đạo để đẩy lùi tình trạng viêm nhiễm. Tùy theo viêm do vi khuẩn hay nấm mà dùng thuốc khác nhau. Đôi khi viêm do nấm, phụ nữ cần dùng thuốc uống, thuốc đặt chống nấm và điều trị cả chồng.
Nếu phạm vi lộ tuyến có đường kính dưới 5 mm, người bệnh có thể đặt thuốc để phần lộ tuyến co lại, giúp cải thiện các triệu chứng bệnh. Nếu diện lộ tuyến rộng trên 5 mm, gây ra triệu chứng ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, sau khi điều trị hết viêm, bác sĩ cân nhắc điều trị xâm lấn đốt diệt tuyến.
Hiệu quả điều trị phụ thuộc nhiều vào tay nghề của bác sĩ, điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở y tế. Nếu quy trình thực hiện không đảm bảo an toàn có thể để lại sẹo ở cổ tử cung, ảnh hưởng đến khả năng mang thai. Sau quá trình diệt lộ tuyến, người bệnh nên kiêng quan hệ tình dục cho đến khi vết thương lành hẳn, thường trong khoảng 4 tuần. Lộ tuyến đã đốt vẫn có nguy cơ tái phát. Người bệnh cần tiếp tục theo dõi, khám định kỳ theo lịch hẹn.
Dưới đây là những phương pháp đốt diệt tuyến cổ tử cung.
Đốt điện sử dụng dòng điện cao tần để phá hủy các tế bào tuyến ở cổ tử cung. Phương pháp này khá hiệu quả, tuy nhiên nhược điểm là người bệnh có thể bị đau, chảy máu, tỷ lệ nhỏ có biến chứng chít hẹp lỗ cổ tử cung.
Đốt laser sử dụng tia laser để tiêu diệt các tế bào tuyến lấn ra ngoài cổ tử cung. Ưu điểm của phương pháp là ít đau, nhanh chóng, hiệu quả trên cả những vùng viêm nhiễm rộng, tạo điều kiện cho biểu mô lát hồi phục, giảm nguy cơ bị viêm nhiễm phụ khoa sau này. Tuy nhiên, nếu đốt quá sâu hoặc gần sát lỗ cổ tử cung có thể hình thành sẹo xơ, gây hẹp lỗ cổ tử cung, dẫn đến ứ đọng máu kinh hoặc cản trở quá trình thụ thai.
Áp lạnh sử dụng khí N2O hoặc CO2 ở nhiệt độ thấp để đông cứng và tiêu diệt các tế bào tuyến ở cổ tử cung. Bác sĩ áp lạnh 30 giây rồi rút ống kim loại ra ngoài để bảo vệ các mô xung quanh cổ tử cung. Mặc dù hiệu quả thấp hơn so với đốt điện hay đốt laser, sẹo lành chậm, tiết dịch nhiều, tỷ lệ nhỏ người bệnh có thể bị chít hẹp cổ tử cung, song phương pháp này giúp cổ tử cung bớt xơ hóa hơn.
BS.CKI Nguyễn Hữu Công
Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |