Trả lời:
Trào ngược họng thanh quản (LPR) là hiện tượng trào ngược ngoài thực quản hay biến thể của trào ngược dạ dày thực quản. Đặc trưng của tình trạng này là axit dịch vị và pepsin ở dạ dày bị trào ngược lên vùng thanh quản, họng, thực quản hay một số cơ quan hô hấp trên.
Triệu chứng bệnh gồm cảm giác nuốt nghẹn, vướng ở cổ, khó phát âm, khàn tiếng, thường xuyên vướng đàm, đằng hắng giọng. Người bệnh cũng có thể bị đau họng, ho kéo dài, vướng họng. Bệnh thường xảy ra vào ban đêm nhiều hơn ban ngày và có thể kèm theo trào ngược dạ dày thực quản.
Trào ngược họng thanh quản không điều trị bệnh kịp thời có thể gây tổn thương thực thể trên vùng họng thanh quản như u hạt dây thanh dẫn đến khàn tiếng kéo dài... Mục tiêu điều trị trào ngược họng thanh quản là loại bỏ triệu chứng gây khó chịu, làm lành tổn thương niêm mạc, kiểm soát axit trong dạ dày và giảm tiếp xúc giữa axit với họng thanh quản.
Thuốc là phương pháp điều trị chính trào ngược họng thanh quản, bao gồm thuốc ức chế bơm proton (PPI), thuốc đối kháng thụ thể histamin H2 (H2RA), thuốc kháng axit, thuốc prokinetic, thuốc bảo vệ niêm mạc, trung hòa axit dạ dày.
Bác sĩ chỉ định phẫu thuật cho người bệnh có vấn đề ở cơ vòng thực quản như thoát vị gián đoạn. Phẫu thuật tạo van chống trào ngược dạ dày hỗ trợ điều trị thoát vị gián đoạn, cải thiện cơ vòng thực quản dưới.
Thay đổi chế độ ăn uống góp phần kiểm soát triệu chứng trào ngược họng thanh quản. Bởi chế độ ăn nhiều chất béo, ít protein, căng thẳng kéo dài, hút thuốc lá, uống rượu bia khiến triệu chứng bệnh tiến triển. Giảm cân nếu thừa cân, tăng cường rau củ quả song song với hạn chế rượu bia, thuốc lá, thức ăn chiên rán, thức ăn chua cay, nước ngọt có gas giúp ngăn ngừa trào ngược họng thanh quản. Người bệnh không ăn khuya, hạn chế ăn trước khi đi ngủ 2-3 giờ, không nằm ngay sau ăn, không mặc quần áo quá chật để tránh trào ngược, ảnh hưởng đến thanh quản.
ThS.BS.CKI Nguyễn Minh Tú
Trung tâm Tai Mũi Họng
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |