Ngày 10/5, ThS.BS.CKI Trương Tấn Phát, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết những ngày qua bệnh viện tiếp nhận gần 100 bệnh nhân đến khám do tái phát trào ngược, tăng 30% so với tháng trước. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do kỳ nghỉ lễ đi du lịch, ăn các món nhiều dầu mỡ, thay đổi thói quen ăn uống và không sinh hoạt khoa học như bác sĩ khuyến cáo.
"Một phần do bệnh nhân chủ quan khi mắc bệnh ở giai đoạn đầu, thói quen ăn uống không tốt khiến bệnh tái phát, nặng hơn", bác sĩ Phát nói.
Trào ngược họng thanh quản là tình trạng axit, dịch vị và pepsin tại dạ dày bị trào ngược lên vùng thanh quản, họng, thực quản hay một số cơ quan hô hấp trên. Dịch vị từ dạ dày trào lên cơ quan hô hấp trên, kích ứng vùng hầu họng và xoang gây tằng hắng, vướng họng, ho khan, ho có đờm, khàn tiếng, đắng miệng, khó nuốt, chảy dịch mũi sau, viêm tai giữa.
Trào ngược họng thanh quản còn gọi là "trào ngược thầm lặng" do các triệu chứng có thể không rõ ràng, xảy ra vào ban đêm nhiều hơn buổi sáng, đôi khi kèm trào ngược dạ dày thực quản. Triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như viêm họng mạn tính nên nhiều người chữa viêm họng, trị ho mà không hết.
Bác sĩ Phát cho biết trào ngược dạ dày thực quản và trào ngược họng thanh quản là hai bệnh phổ biến của dạ dày có cùng cơ chế trào ngược axit nhưng khác nhau ở vị trí gây ảnh hưởng. Đôi khi triệu chứng chồng lấp nhau, khó phân biệt rạch ròi do hai bệnh có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Như anh Tính, 45 tuổi, tiền sử trào ngược họng thanh quản nên ăn uống ít dầu mỡ, không uống bia rượu. Kỳ nghỉ anh về quê nhiều ngày, tranh thủ lai rai, hàn huyên tâm sự với bạn bè. Hết kỳ nghỉ, anh bị đau họng, cảm giác vướng ở họng, ho khan, mua thuốc đau họng uống ba ngày không bớt, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Kết quả nội soi của anh Tính cho thấy thanh quản phù nề, sung huyết, họng đọng nhiều bọt.
Bác sĩ Phát cho biết anh Tính tái phát bệnh, kê thuốc nhằm giảm axit dạ dày song song điều chỉnh thói quen ăn uống và sinh hoạt. Anh Tính cần tránh ăn các món khó tiêu, nhiều axit, cay, nóng; không uống rượu bia và tái khám theo lịch hẹn bác sĩ.
Tương tự, chị Lê, 32 tuổi, ở Đồng Nai, cũng đến bệnh viện khám do khàn tiếng, ho liên tục trong nhiều ngày. Sau nội soi họng, bác sĩ chẩn đoán chị bị trào ngược họng thanh quản gây ho và khàn tiếng.
6 tháng trước đó, chị Lê đã bị trào ngược họng thanh quản, được kiểm soát tốt nhờ duy trì thói quen ăn uống và sinh hoạt như bác sĩ hướng dẫn. Lần này bệnh tái phát trong kỳ nghỉ lễ, lý do tương tự anh Tính. Bác sĩ hướng dẫn chị thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt, thay đổi tư thế ngủ từ nằm phẳng sang nằm dốc, uống thuốc theo toa và tái khám theo lịch hẹn để theo dõi kết quả điều trị.
"Trào ngược họng thanh quản không điều trị bệnh kịp thời có thể làm tổn thương thực thể trên vùng họng thanh quản, như u hạt dây thanh gây khàn tiếng kéo dài", bác sĩ Phát nói. Người bệnh cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh với các món dễ tiêu, kiêng đồ cay, nóng, không nằm ngay sau khi ăn, tránh ăn đêm và quá no. Kiêng thức uống chứa nhiều chất kích thích như cà phê, rượu bia, nước ngọt; nước trái cây chua như cam, chanh, dâu.
Phòng bệnh bằng cách chia nhỏ bữa, hạn chế các món khó tiêu, ăn trước khi đi ngủ hai tiếng, nhai kỹ, duy trì cân nặng hợp lý.
Uyên Trinh
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |